Gia Lai quy hoạch trọng điểm khu du lịch Biển Hồ – Chư Đăng Ya
Hoa hậu Đỗ Thị Hà diện áo trắng giản dị, đẹp tinh khôi trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya / Ngất ngây với triệu đóa dã quỳ trên đỉnh Chư Đăng Ya
Tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành liên quan về tình hình triển khai nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya ngày 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của dự án này, coi đây là “vùng tài nguyên không chỉ quý giá với Gia Lai mà còn có giá trị quốc gia”.
Biển Hồ - "viên ngọc bích" giữa cao nguyên Pleiku. Ảnh: Internet.
Với tổng diện tích quy hoạch hơn 5.191 ha, trải dài trên địa bàn phường Thống Nhất và xã Biển Hồ, khu vực này sở hữu hệ sinh thái phong phú, cảnh quan ngoạn mục và bản sắc văn hóa độc đáo – những yếu tố ngày càng được thị trường du lịch và giới đầu tư quan tâm.
Biển Hồ (hồ T’Nưng) từ lâu đã là biểu tượng của Tây Nguyên, được ví như “viên ngọc xanh” giữa cao nguyên bazan. Trong khi đó, núi lửa Chư Đăng Ya với vẻ đẹp hoang sơ và mùa hoa dã quỳ rực rỡ đã trở thành điểm hẹn của du khách trong nước và quốc tế. Cùng với đó là đồi chè Biển Hồ xanh mướt, những buôn làng giàu bản sắc và không gian văn hóa cộng đồng độc đáo, tất cả tạo nên nền tảng vững chắc để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và đô thị dịch vụ gắn với thiên nhiên.
Để tận dụng tối đa tiềm năng này, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai đề xuất quy hoạch 5 phân khu chức năng: du lịch văn hóa tâm linh Biển Hồ, đô thị dịch vụ du lịch Chư Đăng Ya, du lịch chè Biển Hồ, đô thị cửa ngõ Bắc Pleiku, và đô thị sinh thái Biển Hồ A. Quy hoạch được thiết kế theo hướng mở, giảm tối đa bê tông hóa, tôn trọng địa hình tự nhiên và các vùng có hệ sinh thái nhạy cảm như phía Bắc – Đông Bắc.
Điểm đáng chú ý là khu vực này đã được Chính phủ đưa vào danh mục địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, một tín hiệu mở đường cho dòng vốn đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong bối cảnh Gia Lai đang từng bước định hình lại bản đồ kinh tế – du lịch sau sáp nhập với Bình Định.
Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu công tác quy hoạch phải “nhanh nhưng không vội”, lấy chất lượng và tầm nhìn dài hạn làm chuẩn mực. Ông nhấn mạnh đến yếu tố hạ tầng giao thông kết nối, bảo vệ toàn vẹn cảnh quan vùng lõi như Biển Hồ, Chư Đăng Ya, Chư Nâm… và đặc biệt là lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực trong quy hoạch du lịch sinh thái. Hạn chót để hoàn tất các bước lựa chọn này được ấn định trước ngày 15/8.
Núi lửa Chư Đăng Ya - "thiên đường vàng" giữa đất trời Gia Lai. Ảnh: Internet.
Cùng với quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng giao các sở ngành liên quan phối hợp với hiệp hội du lịch… thiết kế các hoạt động nghệ thuật điểm nhấn tại Chư Đăng Ya nhằm gia tăng giá trị trải nghiệm và thu hút dòng khách lưu trú dài ngày.
Không chỉ là dự án quy hoạch thuần túy, Biển Hồ – Chư Đăng Ya đang được nhìn nhận là “hạt nhân kích hoạt” một chuỗi giá trị du lịch mới cho vùng Tây Nguyên. Với địa thế độc đáo, tiềm năng cảnh quan, văn hóa, sinh thái phong phú và cam kết từ chính quyền địa phương, nơi đây đang mở ra cánh cửa hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhạy bén, biết đón đầu xu thế và tạo dựng dấu ấn dài hạn trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế trải nghiệm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Đề xuất hỗ trợ người dân tối đa 2,5 triệu đồng để lắp điện mặt trời mái nhà
Kỳ vọng sức hút mới trong phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
Gia Lai quy hoạch trọng điểm khu du lịch Biển Hồ – Chư Đăng Ya
Đà Nẵng: Yêu cầu không chèo SUP khi thời tiết xấu tại các bãi biển
Gia Lai: Ươm mầm STEM từ sân chơi Robotacon

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3