Giải pháp nào để chống ùn tắc cho giao thông Hà Nội?
Thủ tướng gặp Chủ tịch Đại hội đồng và Tổng Thư ký Liên hợp quốc / Quảng Ninh sắp khai trương cảng tàu khách quốc tế nghìn tỷ
Tại cuộc họp về hạ tầng giao thông thành phố do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chủ trì có sự tham dự của các đơn vị: Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia (VIUP), Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAR), Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đã đề xuất nhiều giải pháp.
Qua báo cáo của các đơn vị, hiện thành phố Hà Nội đang triển khai thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Quy hoạch 1259) đến năm 2030 tầm nhìn 2050;
Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội (Quy hoạch giao thông 519) bao gồm những nội dung về: Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý vận tải; Phân tích những mặt đạt được, những tồn tại hạn chế; Đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc và kiến nghị điều chỉnh.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện điều chỉnh cục bộ theo Quy hoạch 1259 và Quy hoạch Giao thông 519 còn chậm, đến nay, nhiều quy hoạch phân khu ở các quận chưa được phê duyệt như: H1-2, H1-1A, H1-1B, H1-1C…
Nhiều tuyến, nút giao thông bố trí chưa hợp lý dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ. Đơn cử như nút giao Cổ Linh (quận Long Biên) kết nối với đường 5B tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hiện phân bố tuyến chưa hợp lý, gây ùn tắc giao thông, xung đột với tuyến đường vành đai 3. Cần nghiên cứu phương án kết nối đường Cổ Linh với tuyến cao tốc 5B dưới gầm cầu vượt và tổ chức lại nút giao thông.
Tại cuộc họp, các đơn vị đề xuất các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe (giao thông tĩnh), bãi đỗ xe ngầm tại vị trí đất công cộng (quảng trường, vườn hoa…) và tại vị trí ga ngầm C9 ở Hồ Gươm.
“Khả năng đáp ứng của 1.800 xe buýt trên 112 tuyến hiện quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, do vậy cần nghiên cứu xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng vận tải đa phương thức, kết nối vận tải giữa các hình thức vận tải khác nhau”, các đại biểu nêu giải pháp.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn yêu cầu các đơn vị, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố lập tiến độ cụ thể về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch 1259 và Quy hoạch Giao thông 519. Tập trung đánh giá việc thực hiện các quy hoạch được duyệt, điều chỉnh xác định vị trí các cầu Tứ Liên, Đuống, Trần Hưng Đạo; các tuyến đường vành đai, hệ thống đường hướng tâm và xuyên tâm, các nút giao thông vào cửa ngõ thành phố từ các hướng tuyến Cổ Linh, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng...
“Nghiên cứu đề xuất các tuyến đường bộ trên cao, tập trung phía ngoài vành đai 1, giải quyết việc quá tải về giao thông như hiện nay, đặc biệt là các khu vực nội đô lịch sử (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Tất cả các nội dung nêu trên cần được cụ thể hóa vào quy hoạch phân khu”, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn chỉ đạo.
Thứ trưởng Toàn cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu hệ thống nút giao lập thể ở các nút giao Ngã tư Vọng, Ngã tư Sở, Lê Văn Lương - Đường Láng. Nút giao ngã 7 Khâm Thiên cần sớm tổ chức thực hiện, thi tuyển rộng rãi phương án kỹ thuật, kiến trúc để giải quyết ách tắc giao thông thường xuyên tại khu vực.
Yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường kiểm tra, kiểm soát các dự án thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về nguồn vốn BT, BOT, PPP… đối với các dự án cấp thiết, đảm bảo hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.
“Giải quyết ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội là rất nan giải, nếu Hà Nội thực hiện khẩn trương, hiệu quả theo Quy hoạch 1259 và Quy hoạch Giao thông 519 thì giao thông đô thị Hà Nội sẽ từng bước giảm và hết ùn tắc", các chuyên gia quy hoạch hạ tầng nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo