Giáo dục

Phụ huynh Hà Nội tranh luận xôn xao vì quy định tuyển sinh vào lớp 10 theo khu vực

DNVN - Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 do UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt có một số điểm mới trong khu vực tuyển sinh, thay đổi nguyện vọng khiến thí sinh, phụ huynh ở Hà Nội không khỏi hoang mang lo lắng, đứng ngồi không yên với những thay đổi mới này.

Lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030 / Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị các kịch bản điều chỉnh kế hoạch năm học, thi tốt nghiệp THPT

UBND TP.Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022. Theo kế hoạch này thì năm học 2021-2022 mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường trung học phổ thông công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.

Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

So với năm học trước, học sinh dự tuyển năm nay có thêm 1 nguyện vọng vào trường trung học phổ thông công lập, khối không chuyên. Nhưng Hà Nội quy định cứng nguyện vọng 1 và 2 chỉ được đăng ký trong khu vực tuyển sinh nơi có hộ khẩu thường trú, không cho phép đổi khu vực tuyển sinh như các năm trước. Vì thế sẽ có những trường hợp học sinh có hộ khẩu thường trú một nơi nhưng lại cư trú ở một nơi khác và sẽ phải di chuyển xa để đi học.

Thông tin về cách đăng ký nguyện vọng dự tuyển và khu vực tuyển sinh mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố đã tạo nên sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các bậc phụ huynh có con thi vào 10 trong năm nay.

Phụ huynh Hà Nội băn khoăn, đứng ngồi không yên vì quy định tuyển sinh vào lớp 10 thay đổi

Phụ huynh Hà Nội băn khoăn, đứng ngồi không yên vì quy định tuyển sinh vào lớp 10 thay đổi.

Trước những băn khoăn của nhiều phụ huynh có hộ khẩu một nơi, cư trú thực tế một nơi, trả lời báo chí, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng là có lợi cho thí sinh.

Sở GD&ĐT vẫn sẽ tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh. "Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của địa phương, Sở sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế", ông Đại nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, thoạt nhìn, thay đổi này có vẻ như linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhưng thực chất, nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì dẫn đến việc hỗn loạn trong xin xác nhận hộ khẩu hay nơi cư trú để thí sinh có được khu vực tuyển sinh mong muốn.

Với những gì đang diễn ra hiện nay, không ai dám chắc điều này không xảy ra. Bởi thực tế, với nhiều phụ huynh lựa chọn trường dựa trên học lực của con em mình, nhưng không ít người bằng mọi giá phải lo cho con được học trong các trường Top, trường chuyên, lớp chọn.

“Thế mới có chuyện, ngay từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, người ta đã “đặt gạch” với giá cả lên tới vài ngàn USD để lo lót cho con học trái tuyến, vào trường điểm, lớp chọn, bất chấp khả năng của con mình như thế nào. Đến cả chuyện chạy điểm, mua suất vào Đại học cho con mà nhiều người còn dám làm. Điển hình là các vụ chạy điểm thi gây rúng động dư luận cách đây không lâu ở Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn… khiến nhiều nhiều quan chức và nhiều người làm trong ngành giáo dục đã phải vào tù”, vị này chia sẻ.

Nhận định của anh T.V trú tại quận Thanh Xuân cho rằng, theo quy định của Sở, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2, NV3, trong đó NV1 và NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, NV3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Với cách tuyển sinh này, muốn đỗ NV3 thì ít nhất phải có số điểm hơn điểm đỗ NV1 2 điểm, điều này trong thi cử không ai dám chắc chắn, nhất là khi chỉ hơn kém nhau 0,25 điểm thì các em đã đứng giữa ranh giới đỗ và trượt.

Chị Tuyết Nhung, phụ huynh của một học sinh tại quận Đống Đa thể hiện sự lo ngại của mình trước những thay đổi của Sở. “Thương các bạn bé và cả gia đình. Mỗi năm tuyển sinh lại quy định mới sát ngày đăng ký. Mà giới hạn theo hộ khẩu cho lớp 10 quá khó, bạn nào học tốt cũng không được thi vào trường tốt để phát huy. Đâu phải khu vực nào, quận nào cũng có trường xuất sắc. Số trường chỉ có từng đó. Nếu số lượng thí sinh ở quận nào nhiều hơn, thì cuộc chạy đua vào trường công ở đó sẽ khốc liệt hơn và ngược lại”.

Chị Lê Thanh Lan trú tại quận Hoàng Mai có con năm nay thi vào lớp 10 nói, “các bạn ở Hoàng Mai không có lựa chọn học được các trường tốt rồi. Con mình mơ vào Trần Nhân Tông và Hai Bà Trưng, biết tin chỉ cho đăng ký trường theo khu vực mình sinh sống đã rất buồn vì không được chọn ngôi trường mình thích để thi”.

Theo đại diện Sở GD&ĐT, học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo hộ khẩu thường trú nhằm bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, đảm bảo quy hoạch mạng lưới trường học của TP, giảm bớt áp lực; Đồng thời tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh. Quy định này được xây dựng trên căn cứ thực tế khảo sát ở kỳ tuyển sinh của các năm học trước. Thực tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiện tượng học sinh đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng cư trú thực tế tại nơi khác, số lượng học sinh xin đổi khu vực tuyển sinh ở những năm học trước là không nhiều.

Cũng theo ông Phạm Văn Đại, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện đăng ký nguyện vọng dự tuyển nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các em, đồng thời không gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập, di chuyển.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm