Giật mình trẻ học chữ trước khi vào lớp Lá
Giáo viên tuyệt đối không được trực tiếp thu, chi tiền / Đề xuất mới về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức
Vừa vào lớp 1 trẻ đọc vanh vách
Trong buổi làm quen với học sinh lớp 1 ngày đầu nhập trường, giáo viên một trường tiểu học ở TPHCM viết rõ ràng tên mình lên bảng. Cô thử nói các em đọc thì lập tức gần như cả lớp đồng thanh... đọc tên họ tên cô gồm 4 chữ trôi chảy. Cô tìm hiểu thì chỉ một vài em chưa đọc từ ghép lưu loát.
Khi dẫn các em đi dạo quanh trường, có những bảng chỉ dẫn như Nhà vệ sinh, vườn rau, khu đọc sách.. hay đến các thông báo, cô chỉ các em đều đã đọc được.
Lâu nay, vấn đề cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 được nhiều người quan tâm, dẫn đến các ý kiến trái chiều. Trong đó vấn đề từng được một số người đặt ra là cần xem lại chương trình giáo dục giữa bậc mầm non với tiểu học, cụ thể là giữa lớp 5 tuổi và lớp 1.
Theo chương trình, trẻ vào lớp 1 mới bắt đầu học những chữ cái đầu tiên, tập ghép vần nhưng nghịch lý ở lớp Lá, trẻ lại được học chữ trước. Nhiều phụ huynh quyết tâm không đốt cháy giai đoạn, không cho con học chữ trước nhưng hốt hoảng khi... đi học lớp Lá, con được giáo viên dạy chữ, tập ghép vần, tập đọc, tập viết, học chữ trong tâm thế bị động.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM chỉ ra thực tế, hầu hết trẻ vào lớp 1 đều đã biết viết, viết đọc. Yêu cầu giáo viên tiểu học dạy đúng quy định như trẻ chưa biết chữ quả thật không dễ dàng.
Theo bà, cần xem lại chương trình học và phương pháp giảng dạy ở mầm non. Có chăng, ở nội dung làm quen với chữ viết ở lớp Lá, giáo viên đã đi đi "quá đà" hoặc hiểu sai về yêu cầu nên đã tổ chức hoạt động này thành việc rèn chữ và đánh vần. Như vậy, ở bậc mầm non đã làm luôn việc của giáo viên lớp 1 nên dẫn đến tình trạng trẻ biết chữ trước.
Khi đó, trẻ vào lớp 1 thì giáo viên tiểu học lại xem các cháu biết viết, biết chữ trước là đương nhiên. Thành ra dẫn đến thực tế trẻ không học chữ trước trở thành "cá biệt". Việc kêu gọi, tuyên truyền phụ huynh không nên cho trẻ học chữ trước lớp 1 trở nên vô nghĩa khi mà các em biết chữ từ bậc mầm non.
Trẻ lên lớp Lá đã học gần hết chương trình lớp 1
Quay ngược lại về bậc mầm non, nhiều giáo viên dạy lớp Lá cho biết, chính họ cũng lúng túng trong phần hoạt động giáo dục trẻ làm quen với chữ viết, con số. Chương trình này với thực tế trẻ đã biết đọc, biết viết chẳng khác nào dạy trẻ tập bò khi trẻ đã biết chạy.
Cô N.T.D, giáo viên mầm non tại một trường ở quận Tân Bình (TPHCM) chia sẻ chương trình ở mầm non chỉ cho trẻ lớp Lá làm quen với 29 chữ cái và con số trong phạm vi 1 - 10. Yêu cầu của hoạt động làm quen với chữ viết chỉ là nhận biết, sao chép mặt chữ, con số... Giáo viên không được dạy trẻ ghép vần, ghép chữ, cộng trừ...
Nhiều phụ huynh cho con học chữ từ rất sớm. Trong ảnh: Một lớp học chữ trước khi vào lớp 1 ở TPHCM.
Tuy nhiên, cô D. cho rằng, giáo viên thực hiện đúng yêu cầu của chương trình cũng rất khó vì phần lớn, trẻ lên lớp Lá đã biết đọc, biết viết. Các em được bố mẹ cho đi học từ lớp Chồi, đặc biệt là từ hè chuẩn bị lên lớp Lá, các em được bố mẹ cho đi học chữ trước rất nhiều. Thành ra, giáo viên cũng không thể "dạy" cho các em đã biết đọc, biết viết, biết cộng trừ... làm quen với chữ viết, con số một cách vỡ lòng.
Giáo viên một trường mầm non ở quận 1, TPHCM tiết lộ, không có thống kê cụ thể nhưng qua quan sát trẻ trong lớp Lá nhiều năm gần đây, cô nhận thấy phải có đến 70 - 80% học sinh lớp Lá đã biết đọc, biết viết, biết cộng trừ... Hay có thể nói, số đông các em đã học gần xong chương trình lớp 1.
"Nhiều phụ huynh quan điểm không cho con học chữ trước nhưng thấy các bạn khác đã đọc, viết trôi chảy nên cuối cùng cũng đành chấp nhận cho con học trước. Nhiều người nhận thức được tác hại của việc học chữ trước nhưng thực tế ở tiểu học, sĩ số đông, học sinh khác đã biết chữ thì con mình sẽ rất lệch pha", cô thẳng thắn.
Nhưng việc cho con học chữ quá sớm thể hiện sự gấp gáp, nóng lòng của phụ huynh cho con chạy đua với việc học, đốt cháy giai đoạn phát triển của trẻ bất chấp các tác hại về lâu dài. Trong khi người chạy nhanh, chạy sớm nhất chưa chắc đã về đích hiệu quả khi mà việc học cần mang tính bền vững,
Trẻ học sớm: Dễ sai, khó sửa
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, chương trình lớp Lá ở mầm non, trẻ đã được nhận diện, làm quen với 29 chữ cái và các số tự nhiên từ 0 - 10 nhưng chưa học ráp vần đọc hoặc viết.
Theo ông Vinh, vấn đề gì cũng có hai mặt. Không thể phủ nhận nếu học sinh biết chữ trước thì việc tiếp thu sẽ nhanh, dễ nắm bắt bài học, giáo viên có thời gian để tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, rèn thêm các kĩ năng cho học sinh.
Tuy nhiên, việc biết trước cũng dẫn đến nhiều tác hại, khi vào lớp, cô giáo dạy lại từ đầu nên trẻ không tập trung, ít hăng hái học tập, thậm chí trẻ thấy mọi việc nhàm chán, quá đơn giản nên thiếu hứng thú, nỗ lực.
Đặc biệt, ông Vinh cảnh báo, phụ huynh cho trẻ học chữ sớm mà ít để ý là nếu trẻ cầm bút quá sớm, xương tay còn yếu, lại không được hướng dẫn đúng cách thì cơ tay, xương tay của trẻ bị ảnh hưởng vì phải gồng nhiều để giữ bút đi nét trong khi viết. Nhiều trẻ đọc thông viết thạo khi vừa vào lớp 1 nhưng tư thế viết không đúng, chữ viết sai... giáo viên rất cực trong việc sửa cho các em.
"Phụ huynh đừng đừng nên chú trọng đến việc học chữ trước mà cần chuẩn bị tâm lý và rèn cho trẻ một số kỹ năng cơ bản cần thiết để trẻ có thể mạnh dạn, tự tin hòa nhập một cách tốt nhất vào môi trường học tập mới", ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo