GS Hồ Ngọc Đại: "Giáo dục hiện đại không noi gương ai cả"
Tết Kỷ Hợi sẽ chạy 25 đôi tàu tuyến Bắc-Nam / Thiếu thuốc trong điều trị một số bệnh nặng
Thực hành lý thuyết để làm cơ sở xây dựng nền giáo dục mới
Trong phần nói chuyện kéo dài trong 2 giờ, ở tuổi 84, GS Hồ Ngọc Đại vẫn giữ chất giọng hùng hồn và những từ ngữ gai góc. Ông chia sẻ về cơ duyên đi học ở Nga từ những năm 1970, làm tâm lý giáo dục và gặp các thầy lớn ở đó như thế nào. Việc trở về nước, bắt tay vào làm giáo dục với trường Thực nghiệm là tham vọng để ông thực hành lý thuyết của mình, từ đó làm cơ sở để xây dựng một nền giáo dục mới.
GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Thanh Hùng |
“Những giải pháp của tôi có 2 cơ sở hết sức bền vững, 1 là triết học, 2 là tâm lý học. Khi có được tâm lý học hiện đại, có triết học vững chắc thì tôi hoàn toàn tự tin để xử lý vấn đề giáo dục”.
Trong buổi nói chuyện, GS Hồ Ngọc Đại kể tới các nhà tư tưởng có ảnh hưởng tới mình như Marx, Hegen, Freud, Piaget…và đặc biệt là các vị thầy tâm lý sư phạm của Nga.
Giải thích về tham vọng muốn tạo ra một nền giáo dục mới chưa từng có trong lịch sử, GS Đại cho rằng:
“Ở thế kỷ 21, thế hệ được sinh ra mới này có thể có những điều mà thế hệ ông bà, bố mẹ chúng chưa hề có, do đó cần một nền giáo dục chưa hề có”.
Theo ông, nền giáo dục cũ thường dạy trẻ theo kiểu noi gương thánh hiền, phấn đấu theo gương hay trở thành người này, người khác. “Còn một nền giáo dục hiện đại là làm sao mỗi người cần được trở thành và xứng đáng với chính “nó”, không phải học theo ai cả".
Nền giáo dục đó phải được xây dựng trên nền tảng lý thuyết không thể bắt bẻ và cơ sở kỹ thuật tốt nhất, tiếp cận được những gì mới nhất và thành tựu của nhân loại.
"Chịu thua" mới có thể dạy trẻ
Ông cũng nhìn nhận việc tư tưởng giáo dục lấy cá nhân làm cơ bản của mình dễ bị phản ứng, nhất là trong thời điểm mấy chục năm về trước.
GS Hồ Ngọc Đại đánh giá nền giáo dục nước nhà đang áp dụng còn nhiều ảo tưởng và cho rằng đây là thời đại của mỗi cá nhân, giáo dục cũng phải đáp ứng được điều đó.
“Trước đây, chỉ có 5% người dân đi học, bây giờ gần 100% đi học, vì thế phải làm sao cho trẻ đi học phải cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Việc người lớn cứ lấy mình làm chuẩn, áp đặt suy nghĩ của mình với trẻ con, tưởng là tốt nhưng thực chất là tàn bạo. Trẻ con khi làm gì cũng đều có lý của nó, chứ không phải theo cái lý của mình”.
Do đó, theo GS Đại, người lớn, giáo viên phải “chịu thua” mới có thể dạy trẻ. Người lớn không nên và không được phép lấy mình làm khuôn mẫu cho người khác mà nên để cho những đứa trẻ được sống hồn nhiên.
Nếu ngày xưa có khẩu hiệu “Thầy giảng thật hay, học trò cần ghi nhớ”, thì với GS Hồ Ngọc Đại là “Thầy không giảng, trò không cần cố gắng”. Lý giải về điều này, ông cho rằng cần làm sao để học sinh không có cảm giác học mới là học. Việc học phải được tiếp cận tự nhiên như hít thở.
“Khi người ta không biết, người ta nói thì tôi không chấp”
Được hỏi về những chỉ trích về hướng dẫn cách đánh vần, cách dạy đọc chữ và những vấn đề khác liên quan đến cuốn sách Tiếng Việt 1 thời gian vừa qua, GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông “không chấp” vì người ta không biết. Đối với ông, "cơn bão chỉ trích" là "vớ vẩn".
“Tôi có cái may mắn rất lớn là dùng những thành tựu của nhân loại đã có chứ không phải tự sáng kiến ra".
GS Hồ Ngọc Đại: Bao giờ tôi cũng ý thức được trách nhiệm với đất nước. Ảnh: Thanh Hùng |
Chẳng hạn,tiếng Việt lớp 1 là thành tựu 300 năm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt, tổng kết lại làm giáo trình cho sinh viên năm 3 trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1977. Năm 1978, thành tựu này được đưa vào lớp 1 dạy khóa đầu tiên.
Hay việc phát âm chữ a, bờ, cờ là do học giảHoàng Xuân Hãn đưa ra. "Ở lớp bình dân học vụ người ta dạy, i tờ có móc là 2, i ngắn có chấm tờ dài có ngang. Chứ trước kia là a bê xê, nên mới đọc là bê a ba. Đã bê lại còn a ba được, ngớ ngẩn thế mà người ta vẫn cho là đúng".
Chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục năm 1978 tôi đưa vào dạy lớp của GS Ngô Bảo Châu. Lớp 1khi đó học kỳ 1 không học chữ mà học toàn các hình vuông, hình tròn, hình tam giác. Bởi phải nắm được cái tiếng, còn biểu hiện cái tiếng bằng gì chả được. Tiếng nói, âm nghe được là vật thật, chữ là một vật thay thế. Mà đã vật thay thế là quy ước và có luật lệ quy ước”.
GS Đại nói rằng tài liệu Tiếng Việt lớp 1 của Công nghệ giáo dục là điều an ủi ông lớn nhất, một công trình của lịch sử chứ không phải của cá nhân, ông để tên mình là để chịu trách nhiệm.
Sau phần thuyết trình của GS Hồ Ngọc Đại, một số khán giả đã nêu thắc mắc với ông như: Đã tiếp nhận và lắng nghe những góp ý từ giới nghiên cứu ngôn ngữ ra sao, tại sao vẫn ứng dụng quan niệm "chân không về nghĩa" khi giới ngôn ngữ cho rằng đây là lý thuyết đã lạc hậu, một số ngữ liệu trong sách không phù hợp, giải pháp dạy học này phù hợp với trẻ xem tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai chữ không phải tiếng mẹ đẻ,v.v... GS Đại cho rằng bộ sách đã được viết với nhiều tâm huyết.
"Tôi có thể yên tâm mà nói rằng, cho dù tất cả công trình của mình vô nghĩa đi chăng nữa thì cuốn tiếng Việt lớp 1 cũng an ủi tôi. Bởi trong đó thể hiện những lý thuyết về tư tưởng khoa học, những tư tưởng về tâm lý học, những triết học về cuộc đời".
End of content
Không có tin nào tiếp theo