Tin tức - Sự kiện

Hai ngày tăng cường giãn cách xã hội tại TP Hồ Chí Minh: Nhiều con số biết nói

Sau hai ngày thực hiện việc tăng cường giãn cách xã hội, mỗi ngày, Tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương tổ chức đi chợ hộ cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu.

Bộ trưởng GTVT: Dừng ngay việc ban thành thêm quy định, giấy phép con cản trở lưu thông hàng hóa / Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy xã phường làm pháo đài chống dịch


Những ngày vừa qua, khi TP Hồ Chí Minh thực hiện siết chặt giãn cách, các cơ quan chức năng địa phương phối hợp cùng lực lượng quân đội nhanh chóng triển khai thực hiện đi chợ giúp dân. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh thông tin tại buổi họp báo chiều 25/8. Ông Hải cho biết, các địa phương đã có nhiều cách làm linh hoạt để người dân lựa chọn. Trong hai ngày qua đã có 138.638 hộ dân đăng ký đi chợ hộ. Dự kiến các địa phương sẽ tiếp tục triển khai đi chợ hộ cho khoảng 1,7 triệu hộ dân và tổ chức cấp phát cho gần 1,1 triệu hộ dân khó khăn đến hết ngày 6/9.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, tính đến 6h ngày 25/8, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 185.367 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong đó đang điều trị 37.138 bệnh nhân. Trong ngày 24/8, TPHCM có 2.309 bệnh nhân xuất viện.

Thành phố đã thực hiện tiêm chủng cho trên 5,5 triệu người, trong đó có trên 222.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.

 

Về tiếp nhận các đối tượng là người lang thang, cơ nhỡ, các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã tiếp nhận 303 người. Những trường hợp này được test nhanh, nếu âm tính sẽ tiếp nhận vào trung tâm bảo trợ xã hội, dương tính thì vào khu cách ly ở các quận, huyện và TP. Thủ Đức. 127 người lang thang có sử dụng ma túy được đưa vào cơ sở xã hội thanh thiếu niên 2.

TP Hồ Chí Minh đã triển khai 2 đợt hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó gần 66.000 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã nhận hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ 133,5 tỷ đồng.

Có 193 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ tổng số tiền 396,4 triệu đồng. Trong khi đó, có gần 800.000 lao động tự do đã nhận mức hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người với tổng số tiền của 2 đợt trên 1.196 tỷ đồng.

Các hộ kinh doanh phải dừng hoạt động, có 5.861 hộ nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 11,7 tỷ đồng. Đồng thời có 18.082 thương nhân tại các chợ truyền thống đã nhận hỗ trợ với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng.

Có 101.356 đơn vị được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với kinh phí hỗ trợ trên 1.060 tỷ đồng. 131 đơn vị được giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với kinh phí hỗ trợ trên 223 tỷ đồng.

 

Có 139 viên chức lao động hoạt động nghệ thuật và 248 hướng dẫn viên du lịch đã được giải quyết hỗ trợ.

Ngoài ra, với nhóm lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong toả, có trên 213.000 hộ đã nhận hỗ trợ trên 319 tỷ đồng. Trong đó có trên 217 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và trên 102 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng, chống dịch của Thành phố.

Trong đợt hỗ trợ thứ 2, TP Hồ Chí Minhmở rộng đối tượng hỗ trợ, có thêm gần 54.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo đã nhận hỗ trợ trên 58 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và Quỹ phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt, Trung tâm an sinh thành phố đã vận động được trên 1,8 triệu túi quà an sinh, đã chuyển 492.076 phần quà về các địa phương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Thông qua Chương trình SOS của Trung tâm an sinh thành phố (Tổng đài 1022) đã hỗ trợ 1.176 phần quà.

Theo chủ trương từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn trên địa bàn Thành phố thực hiện hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần) cho người lao động của các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” từ nguồn kinh phí do công đoàn cấp trên trực tiếp cấp hỗ trợ cho công đoàn cơ sở bằng nguồn tài chính tích lũy của đơn vị.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm