Tin tức - Sự kiện

Hỗ trợ học tập online trên Facebook, không để SV lãng phí thời gian vô bổ

“Sinh viên tham gia FB rất nhiều, nên sử dụng mạng xã hội vào những việc hữu ích như là tận dụng sự tương tác của nó vào thúc đẩy phong trào học tập thay vì để mặc sinh viên lãng phí thời gian vô bổ”, Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội nói.

Đến Nhật, đừng bỏ lỡ những trải nghiệm cực độc này / Giới trẻ Thái Nguyên thỏa sức "check-in" trong phim trường sống ảo

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh việt Việt Nam lần thứ 10, chiều 10/12, Diễn đàn thảo luận “Sinh viên với học tập sáng tạo và nghiên cứu khoa học” được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Diễn đàn quy tụ những đại biểu sinh viên trong và ngoài nước quan tâm tới việc túc đẩy học tập và nghiên cứu khoa học sáng tạo trong sinh viên.

Diễn đàn thảo luận “Sinh viên với học tập sáng tạo và nghiên cứu khoa học”.
Diễn đàn thảo luận “Sinh viên với học tập sáng tạo và nghiên cứu khoa học”.

Liên kết với doanh nghiệp gây quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới hình thức tuyên truyền, tổ chức các CLB - đội nhóm để thu hút sinh viên NCKH

Góp ý tại Diễn đàn, bạn Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam ĐH Kỹ thuật công nghiệp - ĐH Thái Nguyên mong muốn các trường đại học ngành kỹ thuật có thể liên kết với các doanh nghiệp lớn để đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, Kiên hi vọng có thể xây dựng ngân hàng thiết bị nghiên cứu cho sinh viên.

Phan Hoài Đăng Khoa, SV Y dược TP.HCM nói: “Với tư cách là một sinh viên, CEO của một startup công nghệ về y tế, tôi hiểu được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học. Sinh viên là người chủ động sáng tạo. Nhà trường với vai trò là nhà bảo trợ hoặc nhà đầu tư. Vậy, vai trò của tổ chức Hội Sinh viên trong khuyến khích nghiên cứu khoa học và học tập sáng tạo của sinh viên là gì? Hiện nay Hội Sinh viên mới chỉ đóng vai trò kết nối. Tôi đề xuất là Hội Sinh viên đặt lại vai trò là người phát triển dự án”.

Điều Minh Châu, SV ĐH Dược Hà Nội trình bày kinh nghiệm: “Việc nghiên cứu khoa học trong môi trường kỹ thuật như ngành Dược khá là khó khăn vì yêu cầu nghiên cứu ra những cái chưa có sẵn. Hiện tại, trường Dược có tới hàng trăm công trình nghiên cứu tầm cỡ nhà trường và cả nước.

Trường mình có rất nhiều nhóm nghiên cứu khoa học tự thành lập, có kinh phí hỗ trợ từ nhà trường, hoặc tự xin vốn từ bên ngoài để tiến hành nghiên cứu. Bên cạnh đó, các bạn SV còn tổ chức các buổi trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Thực tế, SV trường Dược năm thứ nhất, năm thứ 2 đã bắt đầu nghiên cứu khoa học”.

 

Minh Châu đề xuất Hội Sinh viên Việt Nam ở cấp trung ương hoặc cấp tỉnh/thành phố có một quỹ hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, có thư viện số riêng để sinh viên tìm hiểu thông tin và đóng góp trí tuệ trong nghiên cứu khoa học.

Những ý kiến đóng góp cho diễn đàn cũng là nguyện vọng của sinh viên cả nước
Những ý kiến đóng góp cho diễn đàn cũng là nguyện vọng của sinh viên cả nước

Trần Minh Hoàng, đại diện SV trường ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM nêu vấn đề làm sao để phát huy câu lạc bộ học thuật để đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học. Từ kinh nghiệm của trường mình, Minh Hoàng đưa ra kinh nghiệm là cần phải thu hút SV bằng các hoạt động học mà chơi, các hoạt động trao đổi thông tin mới mẻ, ví dụ như thực hiện các cuộc thi mang tính học thuật, khoa học theo fomart của các game show...

Lê Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Tài chính chia sẻ rằng Học viện Tài chính đang áp dụng mô hình đào tạo hướng dẫn chuyên sâu một số sinh viên có khả năng về nghiên cứu khoa học vừa có khả năng chia sẻ, truyền cảm hứng.

Mặt khác, việc phát triển các câu lạc bộ học thuật cũng cần làm sao cho gần gũi, không quá cứng nhắc để thu hút sinh viên tham gia, có thể thông qua các trò chơi để cuốn hút sinh viên bằng cách sân khấu hóa chứ không phải những cuộc thi trên giấy.

Hồng Nhung đề xuất, để không quá phụ thuộc vào nhà trường trong việc huy động quỹ hỗ trợ học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học, các bạn sinh viên có thể biến các ý tưởng sáng tạo của mình thành thực tế để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Thay vì bị động trong nghiên cứu khoa học thì hãy tìm kiếm những khó khăn của doanh nghiệp, những điều mà thực tiễn đang cần để nghiên cứu giải quyết.

 

Phan Thị Quỳnh Trang, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Vinh, Nghệ An chia sẻ: Việc học tập không chỉ gắn liền với việc sinh viên ngồi trên giảng đường hay các báo cáo nghiên cứu khoa học mà còn là thực tập ngành nghề mà mình theo học để đến gần hơn với thực tiễn. Ví dụ, tổ chức các lớp học sinh viên giỏi ngoại ngữ, Tiếng Anh dạy cho những sinh viên yếu ngoại ngữ hơn. Hội SV ĐH Vinh cũng thường xuyên kết nối với các doanh nghiệp để sinh viên vừa có thể thực tập vừa kiếm được thu nhập cho mình.

Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Mở TP.HCM đề xuất giải pháp thúc đẩy sáng tạo, nghiên cứu khoa học là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho sinh viên sáng tạo trong học tập là gì, nghiên cứu khoa học là gì, để các bạn sinh viên hiểu rõ sự thú vị và cuốn hút của phong trào này như thế nào, từ đó thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Bên cạnh đó, Hội Sinh viên cũng cần quan tâm tới quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, bằng cách liên kết với các doanh nghiệp. Trước hết những nghiên cứu khoa học của sinh viên cần phải biết được nhu cầu, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, để cả hai bên đều có được cái mình muốn. Doanh nghiệp có thể giải quyết được vấn đề của mình và sinh viên có nguồn tài trợ nghiên cứu khoa học, thậm chí có thể đưa nghiên cứu của mình vào thực tiễn.

Hỗ trợ học tập online trên mạng xã hội, không để SV lãng phí thời gian vô bổ

Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, Hội SV Bách khoa đã xây dựng được nhiều mô hình hỗ trợ sinh viên học tập, trong đó có mô hình hỗ trợ năm nhất là “CLB Hỗ trợ học tập”, tổ chức lớp “Ôn tập đại cương ngoài giờ” để các anh chị sinh viên dạy các em khóa dưới. Đồng thời, SV Bách khoa cũng có những group (nhóm) học tập hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội, là nơi các bạn sinh viên chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập.

Hỗ trợ học tập online của SV Bách khoa còn có trang fanpage “Hỗ trợ Sinh viên Bách khoa” cũng là một kênh chia sẻ thông tin học tập giữa các bạn sinh viên. “Sinh viên tham gia Facebook rất là nhiều, nên sử dụng mạng xã hội vào những việc hữu ích, như là tận dụng sự tương tác của nó vào thúc đẩy phong trào học tập thay vì để mặc sinh viên lãng phí thời gian vô bổ”, bạn Quyết nói.

 

Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng các bạn sinh viên cần có kiến thức nền thật tốt thì mới có thể sáng tạo “đạt chuẩn”. SV cũng cần quan tâm tới nhu cầu của doanh nghiệp. TƯ. Hội SVVN có thể tạo ra những diễn đàn để doanh nghiệp và sinh viên kết nối, tìm hiểu nhu cầu lẫn nhau, hỗ trợ tài chính... nhen nhóm nên sự ham thích nghiên cứu khoa học.

Lê Hoàn Khang, SV ĐH Xây dựng Hà Nội đồng tình với đại biểu Hội SVVN tại Đức: “Tôi ủng hộ nghiên cứu khoa học sớm nhưng nếu kiến thức nền chưa được tốt thì cũng khó khăn trong việc nghiên cứu khoa học. Tôi đề xuất rằng các trường có thể liên kết nghiên cứu khoa học để cho ra sản phẩm chất lượng”.

Đại biểu Cao Hoàng Minh, hiện đang là giảng viên CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM cho biết: “Trường tôi có hơn 10.000 sinh viên, là một trong những trường cao đẳng có số lượng SV cao nhất ở TP.HCM. Đại diện SV các trường cao đẳng, tôi nêu lên ý kiến là sinh viên cao đẳng cần có những sân chơi riêng, có nhiều cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học, sáng tạo hơn nữa vì theo tôi rất nhiều chương trình dành cho sinh viên tập trung vào đối tượng SV đại học là chính”.

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm