Hội nghị Trung ương 8: Giảm nhiều loại tội phạm, nhưng tội phạm tham nhũng vẫn tăng
Dàn vũ khí tại triển lãm quốc tế về an ninh tại Hà Nội / Việt Nam là nước đầu tiên thành công nội soi tuyến giáp một lỗ
Ngày 3/10, tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), các nội dung về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phòng, chống tội phạm; hoàn thiện hệ thống pháp luật... đã được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến trong phiên thảo luận tại Hội trường về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập
Thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định: Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu cụ thể. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế điều quan trọng là Trung ương đã ban hành giải pháp vừa ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cho sự tăng trưởng và đủ dư địa để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống của người dân, ổn định trật tự an toàn, tạo niềm tin của xã hội, người dân.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng thể hiện băn khoăn đối với mức tăng năng suất lao động của năm 2018 tuy đã tăng nhưng vẫn giảm so với năm 2017. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích, năng suất lao động tăng là do chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang lĩnh vực công nghiệp dịch vụ có năng suất lao động cao, vẫn còn theo chiều rộng, chưa chuyển sang chiều sâu, vẫn dựa vào chuyển nông nghiệp sang dịch vụ. Trong nội ngành kinh tế, năng suất lao động chưa được cải thiện, tăng được là nhờ vào cường độ vốn chứ không phải thay đổi về công nghệ; yếu tố năng suất lao động còn hạn chế; sức cạnh tranh của nền kinh tế chậm chuyển biến. Trong điều kiện thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ, thiếu lao động có trình độ tay nghề cao, đây là thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay cũng là quan tâm của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng khi đồng chí đề nghị Chính phủ cho tái khởi động chiến lược phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng nói: Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nêu rõ những đặc trưng của con người Việt Nam. Tuy nhiên, các chiến lược, kế hoạch, lộ trình đưa ra chưa rõ về nội dung này.
"Nếu thực hiện nội dung này, cần trở lại vấn đề lý luận, đó là: văn hóa tinh thần là động lực của sự phát triển và sẽ làm cho sự phát triển bền vững. Nhìn rộng ra các quốc gia cho thấy, một đất nước phát triển phải nhờ gốc rễ của nó là văn hóa. Nếu làm được, gieo vào đó khát vọng, tạo niềm tin, sẽ tăng cường đạo đức. Từ đó có tác động ngược lại, không chỉ ổn định xã hội, còn góp phần phát triển kinh tế bền vững" - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng phân tích.
Phấn đấu giảm cung, giảm cầu, giảm tội phạm ma túy
Đề cập tới công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu năm 2018, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều tội phạm mới xuất hiện, trong đó có cả tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trên cơ sở đánh giá cao ngành công an và các ngành chức năng đã đấu tranh kéo giảm nhiều loại tội phạm, tuy nhiên loại tội phạm tham nhũng vẫn tăng - Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Theo Quyền Chủ tịch nước, các cơ quan chức năng thời gian qua đã vào cuộc quyết liệt, xử lý tội phạm tham nhũng rất nghiêm minh; tin báo tố giác tội phạm của quần chúng liên quan tội phạm này tăng, các vụ việc qua cơ quan thanh tra, kiểm toán, phát hiện có dấu hiệu vi phạm chuyển cho cơ quan điều tra cũng tăng... cho thấy những dấu hiệu tích cực, làm cơ sở cho các cơ quan đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan tới tham nhũng thực hiện trách nhiệm của mình.
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị khi có dấu hiệu của tội tham nhũng như trục lợi, vụ lợi, cần phải xử lý nghiêm minh, công bằng, khách quan. Mặt khác, liên quan tới tội phạm kinh tế nhưng do cơ chế chưa rõ ràng, chưa đầy đủ hoặc do nôn nóng nhưng không có tư túi, không vụ lợi, phải cân nhắc, trách tâm lý ngại làm, không dám làm.
Liên quan tới tội phạm về ma túy, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ đây là tội phạm đáng quan tâm, diễn biến liên quan tới ma túy diễn ra phức tạp cả về thủ đoạn, phương thức với chủng loại ma túy mới, sản xuất, vận chuyển, mua bán... ngày càng mở rộng, đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa...
Cùng với đề nghị cần tập trung để phòng, chống tội phạm về ma túy, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu lên cần phải quan tâm xử lý vấn đề sâu xa, cốt lõi đó là chăm lo, cải thiện đời sống của người dân.
Trên cơ sở đề nghị sắp tới cần quyết tâm, chủ động hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy với mục tiêu đánh đâu dứt điểm đến đó, đánh thường xuyên liên tục, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị năm 2019 và cả nhiệm kỳ này cần phải quyết tâm đạt được 3 mục tiêu: giảm cung; giảm cầu và giảm tội phạm về ma túy.
Xây dựng hành lang pháp lý cải cách thủ tục hành chính
Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện về luật pháp, các quy định để giải quyết 3 vấn đề lớn đó là: đất đai, thủ tục đầu tư và thủ tục giải ngân. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: thời gian qua, thủ tục hành chính với người dân được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, các thủ tục giải quyết các dự án cho các doanh nghiệp còn khó khăn; do đó cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tránh chồng chéo.
Cùng ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nêu rõ: Hiện nay, việc cải cách hành chính đang gặp nhiều khó khăn, xử lý vấn đề cho người dân, doanh nghiệp còn nhiều vấn đề. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức vẫn gây sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Việc cải cách hành chính và việc chỉ đạo thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đồng tình với các nhóm nhiệm vụ giải pháp, đặc biệt là quan điểm kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát được nêu ra trong báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, đồng chí Lê Đình Sơn đề nghị các cơ quan Trung ương cần sớm ban hành một số Nghị định để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu: Mặc dù đã có nhiều đạo luật được sửa nhưng vẫn còn một số luật chồng chéo, còn thiếu một số Nghị định để thể chế hóa, điển hình như tháo gỡ khó khăn cho việc tích tụ đất đai. Đồng thời, đồng chí Lê Đình Sơn cho rằng để có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao phải nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý, bảo đảm hiệu quả, bởi nếu không có hành lang pháp lý trong quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nêu thực tiễn từ cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết tỉnh đang tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp tinh giản biên chế. Đây là nội dung đã được nhiều tỉnh triển khai nhưng vẫn vướng các văn bản quy định của pháp luật.
"Việc giảm bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ, giảm chi phí, tăng đầu tư phát triển là việc phải làm. Nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 để dồn lực tập trung cho phát triển, tiết kiệm chi hành chính, xây dựng bộ máy trong sạch tiết kiệm hơn..." - đồng chí Lê Đình Sơn kiến nghị.
Tại phiên thảo luận, đã có 14 ý kiến phát biểu tập trung phân tích, dự báo tình hình, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019 và các năm tiếp theo cũng như cả nhiệm kỳ khóa XII.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên