Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ có những cải tiến gì?
Lùi thời gian thực hiện đổi mới chương trình, SGK đối với lớp 1 / Thêm 2 tuyến xe buýt ở Sài Gòn ngừng hoạt động vì vắng khách
Nhiều điều chỉnh trong công tác tổ chức thi
Dù kỳ thi THPT Quốc gia 2019 còn khoảng thời gian khá dài mới diễn ra, song trước một loạt tiêu cực trong chấm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi 2018, dư luận xã hội đang mong ngóng về những điều chỉnh trong kỳ thi năm sau. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2018 mở rộng, đánh giá lại kỳ thi năm 2018 và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện kỳ thi tới.
Chia sẻ về những dự kiến sắp tới liên quan đến kỳ thi 2019, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, cần ghi nhận những kết quả đạt được của kỳ thi 2018. Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội. Tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương. Các đại biểu thống nhất, đây là dịp để xác định rõ trách nhiệm, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi những năm tới.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin, ý kiến của các đại biểu đều thống nhất nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPT Quốc gia đến hết năm 2020, kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức. Do đó, đã đề xuất một số phương hướng cho năm 2019 và năm 2020, cụ thể: Rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện Quy chế thi và hướng dẫn chi tiết hơn; cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm. Tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi. Cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi, đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt mục tiêu của kỳ thi.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, sắp tới Bộ sẽ thực hiện cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi. Hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm, theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi. Cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của kỳ thi. Xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình; Chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi...
Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có nhiều cải tiến kỹ thuật. Ảnh minh họa: Q.Anh.
Cần xác định rõ mục tiêu của kỳ thi
Liên quan tới tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, phát biểu tại phiên họp giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Bộ vẫn bảo lưu quan điểm duy trì kì thi THPT Quốc gia nhưng cải thiện, chú trọng yêu cầu về mặt lượng kiến thức thực sự được tiếp thu của học sinh trong bậc học THPT. Tới đây, cách tiếp cận của đề thi không phục vụ mục tiêu kì thi “2 trong 1” mà phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT.
Thông tin Bộ GD&ĐT dự kiến một số điều chỉnh ở kỳ thi tới được nhiều chuyên gia, các bậc phụ huynh quan tâm. TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, trước hết, phải kiện toàn ngân hàng câu hỏi và cách soạn đề thi. Bộ GD&ĐT cần phải xem mục đích của kỳ thi là gì để thiết kế đề thi tiêu chuẩn. Đề thi phải thiết kế làm sao để thí sinh đạt yêu cầu tối thiểu của chương trình thì mới được tốt nghiệp.
“Để có một đề thi tiêu chuẩn hóa sẽ bao gồm 50% số câu hỏi cơ bản bám sát chuẩn đầu ra môn học, yêu cầu thí sinh phải đảm bảo được yêu cầu tối thiểu, còn 50% số câu còn lại có yêu cầu cao hơn để đề có tính phân hóa cao. Kỳ thi cũng cần tiếp tục phân cấp về cho địa phương tổ chức, có thể hạn chế tiêu cực bằng tổ chức chấm thi độc lập, không phải người của địa phương đó tham gia. Trong trường hợp địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm chính, có như thế mới tổ chức tốt và đảm bảo không có gian lận thi cử”, TS Lê Viết Khuyến nhận định.
Trước thông tin Bộ GD&ĐT coi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp, lãnh đạo một số trường đại học cho biết, kỳ thi được thiết kế với hai mục đích và được cho là giữ ổn định trong các năm tới, nên nếu chỉ nhằm mục đích tốt nghiệp sẽ gây khó khăn cho các trường đại học trong tuyển sinh, nhất là các trường “tốp trên”. Hiện tại các trường chủ yếu xét tuyển vào kết quả thi, nếu xét học bạ chưa đảm bảo khách quan. Ngoài ra, tổ chức thi, kiểm tra đầu vào sẽ mất nhiều công sức, gây tốn kém và đi lại cho thí sinh và người nhà.
“Các thay đổi, điều chỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và những năm tới đây đều hướng tới bảo đảm cho kỳ thi thực chất, công bằng hơn, hướng tới thuận lợi cho thí sinh. Thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Những điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. Nên các thí sinh yên tâm học tập. Chúng tôi sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn trong thời gian sớm nhất. Thời gian thi cố gắng giữ ổn định để các Sở GD&ĐT chủ động trong kế hoạch năm học”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất