Lạm phát có dư địa kiểm soát dưới 4%
Cầu Rồng Đà Nẵng sẽ phun lửa, nước vào tối 3 ngày cuối tuần / Mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng dễ như... "mua rau"
Nhiều chỉ số kinh tế tích cực
Thời điểm này đã giữa quý 3, được coi là quý tăng tốc, và nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế đã có những dự báo cho cả năm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố hôm nay (29/7), tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục duy trì được sự ổn định.
Tình hình sản xuất nông nghiệp và thủy sản đều tăng; thương mại, giá cả, vận tải và du lịch tăng, đặc biệt, du lịch khởi sắc với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 tăng gấp 47 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chỉ số kinh tế tích cực tiếp tục tăng cao, tổng cầu phục hồi rõ nét hơn.
Thống kê mới nhất trong 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ở 61 địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Một chỉ số đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 đạt gần 500.000 tỷ đồng, tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Một chỉ số khác là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số này ước tăng 8,8%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo vẫn giữ mức tăng trưởng cao.
Công nghiệp tiếp tục tạo đà cho tăng trưởng kinh tế
Cùng với những con số ấn tượng tăng trưởng chung của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đã khởi sắc trở lại, đạt mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, dù vẫn còn nhiều diễn biến bất lợi từ dịch bệnh, xung đột ở nhiều quốc gia.
Theo các nhà phân tích, hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ. Cùng với đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Sau 1 năm vận hành thử nghiệm và 2 tháng hoạt động chính thức, đơn hàng ngày một tăng. Đại diện doanh nghiệp cho biết dự kiến doanh thu năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 270% so với năm trước.
"Chúng tôi đang tiếp tục lắp đặt dây chuyền để sản xuất phụ kiện cho ô tô. Năm 2023, chúng tôi sẽ đạt tăng trưởng 200% so với năm 2022", ông Lo Shih Yi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác ESON Việt Nam, cho hay.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi theo đuổi mục tiêu chuyển nền kinh tế từ "nâu sang xanh", việc thu hút đầu tư đã có nhiều chọn lọc hơn. Trong 7 tháng đầu năm nay, lĩnh vực công nghiệp đã đóng góp hơn 50% vào tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh.
"Tỉnh Quảng Ninh cũng như Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tăng cường sản xuất. Năm nay, dù còn khó khăn nhưng chúng tôi sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước", ông Wong Wai Chen, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp LIONCORE Việt Nam, nói.
"Ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng như: hạ tầng giao thông, đô thị và hạ tầng tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Tỉnh cũng quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, thông tin.
Các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hàng loạt các giải pháp vĩ mô của Chính phủ nhằm ổn định nền kinh tế, giữ tỷ giá hợp lý, kiểm soát lạm phát đã giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thống kê mới nhất trong 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ở 61 địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát có dư địa kiểm soát dưới 4%
Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 của Việt Nam là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Hai lần giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, 3 lần giá xăng giảm mạnh liên tiếp, về mốc hồi tháng 2 năm nay, tuy vậy vẫn cần độ trễ để giá hàng hóa giảm theo. Cùng với đó là hàng loạt biện pháp kiểm soát chặt giá các mặt hàng thiết yếu khiến việc kiểm soát lạm phát có nhiều dư địa để ở dưới mức 4%, mặc dù áp lực từ lạm phát quốc tế đang tăng cao.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 7 tháng đầu năm nay, CPI tăng 2,54% so với năm trước, mức tăng rất thấp so với lạm phát tăng rất cao của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt gần 28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
"Năng lực kiểm soát của chúng ta đến bây giờ là rất ổn. Việc bơm vốn đừng có quá e ngại lạm phát, mà việc bơm vốn cho nền kinh tế cần được ưu tiên. Việc lạm phát tăng lên cho đến bây giờ chủ yếu do chi phí đẩy, nhập khẩu từ nước ngoài", ông Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá.
Lạm phát ở Việt Nam hiện nay chủ yếu do giá lương thực thực phẩm và xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ngay lập tức giá xăng dầu giảm mạnh.
Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 của Việt Nam là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Cùng với đó, việc triển khai gói tài khóa tiền tệ đang bắt đầu phát huy hiệu quả sẽ tạo tiền đề để phục hồi sản xuất kinh doanh và góp phần tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
"Nhà nước hạ thấp nhất thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cùng đà giảm của giá xăng dầu làm cho áp lực lạm phát giảm đáng kể, từ đó lạm phát vẫn có thể kiềm chế được dưới 4%", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, nhận định.
"Chúng ta phải triển khai nhanh hơn các gói hỗ trợ thuế và giảm thuế, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất 2% nhằm giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn với chi phí thấp để tạo ra hàng hóa nhiều hơn. Tăng được nguồn cung hàng hóa sẽ góp phần kiểm soát giá", ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Trong trường hợp giá xăng dầu có nguy cơ tăng cao trở lại, Chính phủ vẫn còn nhiều dư địa để giảm một số loại thuế với xăng dầu nhằm đảm bảo giá mặt hàng chiến lược này được kiểm soát trong giới hạn cho phép.
7 tháng đã trôi qua, nền kinh tế đang đà phục hồi tốt, tuy nhiên không thể chủ quan. Tại cuộc họp sáng qua (28/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình hình thế giới đang diễn biến nhanh, khó lường, chưa có tiền lệ; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá tác động tiêu cực đến nước ta khi nền kinh tế có độ mở lớn, quy mô khiêm tốn, khả năng chống chịu có hạn. Vì vậy, sự chủ động phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả là rất quan trọng vào lúc này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi