Tin tức - Sự kiện

Lao động tự sản tự tiêu không được coi là có việc làm

DNVN - Từ Quý I/2021, Tổng cục Thống kê công bố các chỉ tiêu lao động việc làm dựa theo tiêu chuẩn ICLS 19, thay thế tiêu chuẩn ICLS 13 áp dụng từ năm 1982. Theo tiêu chuẩn mới, lao động sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ không được xác định là người có việc làm như trước.

Hải Dương: Tuyệt đối không chủ quan dù 21 ngày không có ca lây nhiễm Covid cộng đồng / Hà Nội: Học sinh "thi thử" tốt nghiệp THPT ngày 11 và 12/5

Tại cuộc họp báo công bố tình hình lao động việc làm Quý I/2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 16/4 tại Hà Nội, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, từ Quý I năm nay, Tổng cục Thống kê chính thức công bố các chỉ tiêu thống kê về lao động việc làm dựa theo tiêu chuẩn ICLS 19. ILO khuyến nghị dùng tiêu chuẩn mới để đảm bảo so sánh giữa các nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển khác nhau.
Theo đó, Tổng cục Thống kê sẽ đồng thời tính toán và công bố lại các chỉ tiêu thống kê lao động việc làm theo tiêu chuẩn ICLS 19 của các quý từ năm 2019 đến nay làm căn cứ so sánh.
Tiêu chuẩn ICLS 19 ra đời thay thế tiêu chuẩn ICLS 13 trong bối cảnh tốc độ khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường hiện đại với tình trạng phụ thuộc vào các sản phẩm tự cung tự cấp hầu như không đáng kể.
Theo tiêu chuẩn mới, lao động sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ không được xác định là người có việc làm như trước.

Ảnh minh họa.
Lao động tự sản tự tiêu là lao động sản xuất ra sản phẩm với mục đích chủ yếu để cá nhân, gia đình sử dụng. Quyết định về sản xuất của lao động tự sản tự tiêu chủ yếu hướng về bản thân và gia đình nên thường đặc trưng bởi tính khép kín, tính phi lợi nhuận đi kèm với hiệu quả thấp và năng suất không cao. Chính vì vậy, khi kinh tế và cách mạng khoa học công nghệ phát triển, hình thức sản xuất này ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, với một nước đang phát triển như Việt Nam, số người làm các công việc này trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng vẫn còn khá cao.
Theo ước tính, số lao động sản xuất tự sản tự tiêu Quý I/2021 là 3,5 triệu người, chiếm khoảng 4,7 phần trăm số người từ 15 tuổi trở lên, tăng 113 nghìn người so với quý trước và tăng 84,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này hầu hết nằm ở khu vực nông thôn và có gần 2/3 số người tự sản tự tiêu quý I năm 2021 là nữ giới. Lao động tự sản tự tiêu chủ yếu thuộc độ tuổi từ 50 trở lên (chiếm 59,4%). Tỷ lệ lao động tự sản tự tiêu trên dân số cao nhất thuộc về nhóm 60-64 tuổi (9,9%). Số liệu cho thấy, trong số 3,5 triệu lao động tự sản tự tiêu, có hơn 200 nghìn lao động tự sản tự tiêu hiện tại vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm 5,8%).
Số giờ làm việc nhà bình quân của lao động tự sản tự tiêu là 16,4 giờ (tương đương khoảng 2,3 giờ/ngày). Lao động nữ giới tự sản tự tiêu không chỉ tham gia làm việc nhà nhiều hơn nam giới mà số giờ làm việc bình quân của họ cũng cao hơn rất nhiều so với nam giới. Bình quân, mỗi tuần, lao động nữ giới tự sản tự tiêu phải dành 19,3 giờ cho các công việc không được trả công trả lương trong gia đình trong khi con số này ở nam giới là 11,3 giờ.
Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 93,5%). Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động sẽ trở nên khó khăn hơn.
Do đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị Nhà nước cần triển khai những chính sách dành riêng để thu hút đối tượng này tham gia thị trường lao động, một mặt góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung và một mặt giúp cải thiện đời sống của người lao động.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đây là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố số liệu áp dụng theo bộ tiêu chuẩn khung khái niệm mới. Số liệu thống kê lao động và việc làm, kết quả đều được tính hết, tự sản tự tiêu là bao nhiêu, nhiều chỉ tiêu vĩ mô… không làm ảnh hưởng đến số liệu thống kê.
“Tuy nhiên với cách tính mới sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động. Theo đó, có một số thay đổi đáng kể từ các chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ người thiếu việc làm và năng suất lao động. Như vậy, nếu bám theo khung số liệu mới thì có một số ngành sẽ đánh giá rất khó. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê sẽ linh hoạt theo khung khái niệm cũ và mới để có cơ sở tính toán, đánh giá một cách phù hợp với thực tiễn nhất”, ông Phạm Quang Vinh nói.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm