Luật Đấu thầu 2023: Ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí
Đà Nẵng: Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử tại chợ truyền thống / Đà Nẵng: Tăng cường quản lý thị trường dịp lễ hội pháo hoa quốc tế 2024
Kỳ vọng mở nhiều "nút thắt"
Ngày 31/5, tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo khoa học “Luật Đấu thầu 2023 – Kỳ vọng và thách thức đối với lĩnh vực xây dựng” do báo Pháp luật Việt Nam, tạp chí Pháp luật và Phát triển, Cục Quản lý đấu thầu phối hợp tổ chức, nhằm đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn các quy định của Luật Đấu thầu áp dụng trong lĩnh vực xây dựng.
Hội thảo khoa học “Luật Đấu thầu 2023 – Kỳ vọng và thách thức đối với lĩnh vực xây dựng”.
Tuy nhiên TS Vũ Hoài Nam cũng lưu ý, giữa pháp luật và thi hành pháp luật vẫn có những khoảng cách mà các chuyên gia pháp luật, kinh tế gọi là những "sự cắt khúc". Luật Đấu thầu năm 2023 cũng có thể có những khúc cắt mà chỉ có thể nhận ra từ hoạt động thi hành.
Hội thảo quy tụ các chuyên gia pháp luật đấu thầu, chuyên gia pháp luật xây dựng, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng đến từ nhiều địa phương trong cả nước với mục tiêu đánh giá những quy định mà các nhà lập pháp kỳ vọng, cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp xây dựng trong quá trình áp dụng.
Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực
TS Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết, là đại biểu Quốc hội, được tham gia góp ý, thảo luận và bấm nút thông qua Luật Đấu thầu, ông nhận thấy có rất nhiều kỳ vọng từ những quy định mới của Luật Đấu thầu 2023.
Ông nêu rõ trong thời gian qua đã xảy ra nhiều sự lãng phí tài nguyên. Đơn cử, siêu dự án Đại Ninh (Lâm Đồng) với 3600ha đất màu mỡ bỏ hoang 14 năm nay là sự lãng phí vô cùng lớn và đáng phẫn nộ khi người dân đang cần đất để phát triển nông nghiệp.
TS Trần Công Phàn phát biểu tại hội thảo.
Chính vì vậy, không hề ngẫu nhiên khi các văn kiện của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước luôn tìm các giải pháp phù hợp, hiệu quả để ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng đang xói mòn và hủy hoại tiềm lực của đất nước bao gồm tiềm lực kinh tế, tiềm lực chính trị và đạo đức xã hội.
TS Trần Công Phàn cũng nêu rõ, tham nhũng, tiêu cực lãng phí diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau song nguy hại, đáng báo động nhất là trong lĩnh vực quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đặc biệt, vô giá và không thể khôi phục, mở rộng. Đó là đất, đặc biệt đất nông nghiệp trồng lúa, rừng do sự lũng đoạn của các giao dịch bất động sản được giao và thực hiện bằng công cụ đấu thầu bị móp méo.
Ông khẳng định, đấu thầu không có lỗi vì bản chất của nó là thiết chế kinh tế -pháp lý tích cực. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, pháp luật về đấu thầu còn có điểm chưa thực phù hợp, chưa thực sự kín kẽ, dẫn đến "lách luật" phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
“Chính vì vậy, Quốc hội đã xem xét kỹ, thảo luận kỹ và thông qua Luật Đấu thầu 2023. Các điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 liên quan nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động đấu thầu, song nổi bật nhất, tập trung nhất là ngăn chặn, khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước dù thuộc bất cứ hình thức sở hữu nào”, TS Trần Công Phàn nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo