Tin tức - Sự kiện

Máy bay Vietjet hạ cánh "bay" bánh trước: Ngắt hệ thống tự động hơi sớm

(DNVN)-Cơ quan điều tra sự cố hàng không Châu Âu chưa đưa ra kết luận về sự cố máy bay của hãng Vietjet hạ cánh bị "bay" hai bánh trước, nhưng Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra nhận định ban đầu là lỗi do phi công khi tiếp đất đã ngắt hệ thống tự động hơi sớm
4 sự cố máy bay xảy ra trong vòng 1 tháng của Hãng Hàng không Vietjet, theo Bộ trưởng Bộ GTVT- Nguyễn Văn Thể là cả xã hội quan tâm. Nhiều người nhắn tin, gọi điện hỏi Bộ GTVT về nguyên nhân. Chứng tỏ mọi người rất quan tâm tới an toàn trong hoạt động hàng không.


Đặc biệt 4 sự cố về an toàn bay lại xảy ra vào đúng thời điểm cận tết Nguyên đán, lượng người đi lại rất đông, nên dư luận bày tỏ lo ngại về an toàn bay của Hãng hàng không Vietjet.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình, quy định trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay (đặc biệt là khu bay và hệ thống quản lý hoạt động bay).
Tuyệt đối không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT và các cơ quan liên quan phải đảm bảo an toàn hàng không, đặc biệt trong dịp cao điểm vận tải Tết.
Sau khi nhận được "nhiệm vụ" mà Thủ tướng giao phó, Bộ GTVT tổ chức ngay cuộc họp với mục đích đánh giá sơ bộ nguyên nhân các sự cố ảnh hưởng dư luận xã hội để rút ra bài học kinh nghiệm. Đưa ra giải pháp trong thời gian tới để vừa đảm bảo phục vụ Tết và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho an toàn, an ninh hàng không lâu dài, căn cơ.
Ông Đinh Việt Thắng- Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam báo cáo về vụ máy bay hạ cánh đã "bay" hai bánh trước tại sân bay Buôn Ma Thuột khi tiếp đất: Sau khi giải mã hộp đen, cơ trưởng đã cho bánh trước hạ cánh trước, phương thức tiếp đất không chuẩn. Nguyên nhân ban đầu là lỗi do phi công, theo thiết kế của máy bay khi tiếp đất thì bánh sau tiếp đất trước chứ không phải bánh trước (bánh mũi).


Trong trường hợp này, lỗi của cơ trưởng là đã ngắt hệ thống lái tự động hơi sớm. Về quy trình không sai nhưng trong điều kiện kỹ thuật bình thường không nên tắt sớm. Trường hợp này có thể kéo lái, thoát lên để bay lại nhưng tổ bay không xử lý được.

Ông Đinh Việt Thắng cho biết thêm: Hiện đang chờ thêm kết luận của Cơ quan điều tra sự cố hàng không châu Âu mới có kết luận toàn diện về sự cố được xếp hạng đặc biệt nguy hiểm (nhóm B) sau sự cố tai nạn (nhóm A).

Vụ hạ cánh nhầm đường băng ở sân bay Cam Ranh là do khi máy bay bay được 20 phút thì có cảnh báo mất áp suất thủy lực của càng trước, nên cơ trưởng đã cho máy bay quay lại sân bay Cam Ranh.

Trong quá trình hạ cánh, lái chính người Philippines có 11.000 giờ bay đã quá chú trọng tới tình trạng càng trong khi lái phụ là người Việt Nam lại đang thực hiện thao tác thả càng, nên lái chính đã mất tập trung, lệch hướng hạ cánh khi tiếp cận đường băng.

Không lưu phát hiện tiếp cận nhầm đường băng, đã nhắc lái chính hướng tiếp cận. Tuy nhiên, tổ lái không điều chỉnh kịp và hạ vào đường băng xây dựng xong chưa khai thác.

Qua làm việc với tổ bay, lái chính cho biết lúc đó thấy đường băng bên cạnh cũng rộng rãi nên hạ xuống đó. Cục Hàng không VN nhận định rằng, trong tình huống trên, không lưu đã làm đúng, mang ống nhòm quan sát để thông báo tổ bay là càng đã thả ra chưa. Tuy nhiên, lỗi đã xảy ra do lái chính quá lo lắng tình trạng của càng trước máy bay nên mất tập trung.

Còn sự cố máy bay chuẩn bị rời mặt đất ở sân bay Nội Bài nhưng không "ngóc đầu" lên được chưa công bố nguyên nhân.

Linh Trần
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo