Môi trường

“Cát tặc”, “đất tặc” ở miền Tây lại tung hoành dịp gần Tết

DNVN - Hiện nguồn nguyên liệu đất mặt, cát xây dựng, cát san lấp đang bị thiếu hụt nghiêm trọng đã dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra rầm rộ. Để ngăn chặn tình trạng này, đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, lực lượng công an đã phải ngày đêm tuần tra, mật phục bắt giữ nhiều đối tượng.

Sáng 14/11: Hơn 858.000 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi; F0 tại các tỉnh miền Tây tiếp tục tăng cao / Miền Tây đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hướng đến miễn dịch cộng đồng

Cát ở sông Hậu, sông Tiền khan hiếm

An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh thượng nguồn, nằm cạnh sông Hậu, sông Tiền nên có trữ lượng cát khá lớn. Đây được xem là “mỏ vàng” cho cả nước. Tuy nhiên ngành chức năng 2 tỉnh này thừa nhận nguồn cát đang khan hiếm nên có tình trạng tăng giá, khả năng thiếu hụt nghiêm trọng thời gian tới nên đề nghị Bộ Xây dựng sớm tìm vật liệu thay thế.

Ông Huỳnh Văn Nguyên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Tháp cho biết: Năm 2021, địa phương đã cấp 15 giấy phép khai thác cát sông, trong đó Công ty cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp có 14 giấy phép. Tổng công suất khai thác trên 4,2 triệu m3 cát. Trong năm 2022, Đồng Tháp cần 16 triệu m3 cát (chủ yếu cát san lấp) để phục vụ xây dựng các công trình trong tỉnh. Tuy nhiên, qua rà soát hết các giấy phép thì trữ lượng khai thác tối đa hơn 6 triệu m3 cát.

“Hiện nay, các tỉnh trong khu vực đã dừng hoặc giảm sản lượng khai thác như tỉnh Long An, Tiền Giang. Do đó, nguồn cát phục vụ san lấp chủ yếu do các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang cung cấp. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các bộ, ngành có liên quan sớm nghiên cứu tìm nguồn vật liệu khác có thể từng bước thay thế cát”, ông Nguyên nói.

Hiện nguồn cung cát trên sông Hậu, sông Tiền đang trở nên khan hiếm.

Hiện nguồn cung cát trên sông Hậu, sông Tiền đang trở nên khan hiếm.

Theo Sở Xây dựng Đồng Tháp, giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh cần trên 37 triệu m3 cát san lấp và xây dựng trong các công trình trên địa bàn tỉnh. Còn theo Sở TN&MT tỉnh An Giang, năm 2022 có 7 doanh nghiệp của tỉnh này được cấp phép khai thác khoáng sản tại 8 khu mỏ, trữ lượng ước đạt khoảng 5,3 triệu m3 cát. Với số lượng này, cơ bản phục vụ các công trình trong tỉnh, khó còn dư để bán ra ngoài tỉnh. Trước đó, ông Trần Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang ký công văn gửi Sở TN&MT tỉnh về nhu cầu nguồn cát cho các dự án xây dựng năm 2021, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nhu cầu sử dụng cát cho các dự án xây dựng đến năm 2025 trên 15,3 triệu m3 cát. Trong đó, cát san lấp trên 14,4 triệu m3 và cát xây dựng gần 944.000 m3. Riêng năm 2022, cát san lấp cần trên 4,2 triệu m3 và cát xây dựng trên 405.000 m3.

Thông tin từ UBND huyện Chợ Mới (An Giang), tình hình khai thác lớp đất mặt trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng nguyên liệu để sản xuất gạch, ngói rất cao, khoảng 400.000/m3 năm. Địa phương có khoảng 130 cơ sở làm lò gạch. Do vậy để đảm bảo cho việc sản xuất kinh doanh, các chủ cơ sở thường xuyên liên hệ với các hộ dân để mua và khai thác lớp đất mặt. Việc khai thác lớp đất mặt làm gạch diễn biến dưới nhiều hình thức như lợi dụng việc chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang lên liếp vườn. Các đối tượng thường lựa chọn vào những ngày nghỉ, ngày lễ và ban đêm để khai thác tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Cận Tết "cát tặc" lại lộng hành

 

Nhu cầu xây dựng, san lấp dịp cuối năm tăng cao, các đối tượng đã ráo riết hoạt động bất chấp hành vi có thể bị xử lý hình sự. Mới đây, thông qua công tác nắm tình hình, vào lúc 0h30 phút ngày 7/1, trên tuyến sông Tiền (ấp Đông Giang, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) tỉnh Đồng Tháp phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Thanh Sang (SN 1983) và Lê Minh Trung (SN 1982, cùng ngụ xã Tân Khánh Đông) đi trên phương tiện ghe gỗ không số đăng ký, có trọng tải khoảng 12 tấn đang thực hiện hành vi khai thác cát sông trái phép. Tại thời điểm kiểm tra trên ghe gỗ có khoảng 5m3 cát, một máy đẩy, một máy bơm hút cát. Qua làm việc, các đối tượng thừa nhận hành vi vi phạm.

Các phương tiện “cát tặc” bị công an bắt giữ.

Các phương tiện của “cát tặc” bị công an bắt giữ.

Ngày 31/12/2021, tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy Công an TP Trà Vinh (Trà Vinh) tiến hành lập biên bản xử lý hành chính đối với Trần Văn Hùng (SN 1981) và Trần Văn Minh (SN 1978, cùng ngụ xã Long Đức) về hành vi khai thác cát trái phép. Trước đó, vào khoảng 21h15 ngày 30/12, khi tổ công tác tuần tra trên tuyến sông Cổ Chiên (đến ấp Long Trị, xã Long Đức) thì phát hiện 1 ghe gỗ không biển số của Hùng (chủ phương tiện) và Nguyễn Văn Cường (SN 1971, người làm thuê) đang hút trộm cát sông nên tiến hành kiểm tra và lập biên bản. Đến khoảng 21h30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra và phát hiện ghe gỗ của Minh đang hút trộm cát gần đó, trên ghe còn có người làm thuê Đỗ Văn Đoàn. Qua làm việc, Hùng và Minh không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản và thừa nhận hành vi khai thác cát sông trái phép.

 

Về hành vi khai thác cát sông trái phép, ngoài bị xử lý hành chính nhiều đối tượng còn bị xử lý hình sự vì tái phạm nhiều lần. Ngày 9/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Huỳnh Văn Công (SN 1963, ngụ xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Khoảng 23h15 ngày 6/12, tổ kiểm tra hoạt động khai thác cát sông của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long phát hiện Công đang thực hiện hành vi bơm, hút cát từ lòng sông lên phương tiện thủy nội địa không có số đăng ký trên tuyến sông Cổ Chiên (đoạn xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ). Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện của Công đã khai thác được 4,6m3 nhưng chủ phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác. Trước đó, Công đã bị UBND huyện Chợ Lách xử phạt 30 triệu đồng cùng về hành vi nói trên.

Mật phục ngày đêm bắt giữ “cát tặc, đất tặc”

Trước đây, nói đến vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang người dân ngoài biết đến khung cảnh hữu tình còn rất dễ bắt gặp tình trạng khai thác cát núi trái phép. Nhưng thời gian qua, tình trạng này đã lắng dịu để nhường chỗ cho những đoàn xe vào các cánh đồng để khai thác đất mặt, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, đường sá bị cày nát. Trước phản ánh của người dân, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường, tổ liên ngành phòng chống buôn lậu phối hợp với công an địa phương ra quân xử lý.

Mới đây nhất, khoảng 20h50, ngày 9/1, sau khi tiếp nhận tin báo của quần chúng nhân dân, tại khu vực đất ruộng thuộc tổ 18, ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, có một nhóm đối tượng đang khai thác khoáng sản trái phép, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh, đến kiểm tra phát hiện, bắt quả tang 2 xe Kobe (máy cuốc) do tài xế Nguyễn Thành Giang (SN: 1992, trú tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) và Nguyễn Duy Thanh (SN: 2005, trú tại thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) điều khiển; 3 xe ô tô tải ben tự chế không biển số do tài xế Võ Văn Pháp (SN: 2001), Lê Việc Khắc (SN: 2001), Đinh Hồng Sơn (SN: 2000) cùng trú tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, điều khiển và 1 ghe sắt biển số AG- 24382 do Nguyễn Văn Út (SN: 1965, trú tại xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới) điều khiển, đang khai thác khoáng sản trái phép. Ghi nhận tại hiện trường, diện tích đất cày xới khoảng 3.900m2, độ sâu trên dưới 3m, đã khai thác khoảng 10.000 m3 đất, cát.

Tại thời điểm bắt quả tang, những người trên không xuất trình được giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp phép về hoạt động khai thác khoáng sản. Qua làm việc, bước đầu nhóm người trên khai nhận: Khai thác, vận chuyển thuê cho chủ ở huyện Chợ Mới. Được biết, đất ruộng trên do ông Lê Văn Trự (SN: 1972, trú tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) làm chủ. Ông Trự khai nhận: Có hợp đồng với một Công ty tại TP Long Xuyên, để múc hầm nuôi cá với diện tích 1000m2, độ sâu 4m, đất công ty sẽ lấy đi nơi khác và trả tiền cho ông 70 triệu đồng. Ông Trự không có xin phép cơ quan có thẩm quyền về việc múc hầm nuôi cá.

 

Tương tự, vào khoảng 19h ngày 3/1, trên cánh đồng thuộc tổ 18 (ấp Măng Rò, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên), Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phát hiện một nhóm đối tượng đang khai thác khoáng sản trái phép. Khi phát hiện tổ công tác đến kiểm tra, các đối tượng liền băng đồng bỏ chạy. Lực lượng đã kịp thời bắt giữ đối tượng Đặng Thanh Bình (SN 1966, ngụ xã Núi Voi) là người điều khiển xe tải BSK: 67C - 047.67. Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện 1 xe Kobe BSK: 74LA - 0053 đang khai thác khoáng sản đưa lên 2 xe ô tô tải BKS: 67C - 047.67, 66C - 024.04 (mỗi xe được khoảng 4,3m3), diện tích khai thác khoảng trên 1.000m2, độ sâu 0,4m. Tại thời điểm kiểm tra, ông Bình không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan chức năng cấp phép. Bước đầu ông Bình khai nhận đã tham gia khai thác và vận chuyển 3 xe cho ông Huỳnh Trọng Hữu (ngụ cùng địa phương).

Lực lượng liên ngành bắt quả tang các phương tiện khai thác khoáng sản trái phép

Lực lượng liên ngành An Giang bắt quả tang các phương tiện khai thác đất, cát trái phép vào tối 9/1.

Trước đó, khoảng 11h5 ngày 19/12, trên cánh đồng thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Lập, tổ công tác thuộc Phòng CSMT Công an tỉnh An Giang bắt quả tang ông Nguyễn Quốc Huy (SN 1985, ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới) đang điều khiển phương tiện Kobe múc đất mặt tại phần đất của ông Trần Quốc Khánh đưa xuống sà lan BS: AG - 2344. Tại hiện trường, tổ công tác còn phát hiện 2 Kobe khác đang múc đất lên 5 xe tự chế để vận chuyển ra cặp bờ kênh cho Huy múc xuống sà lan. Khu đất đã khai thác có diện tích khoảng 10.000m2, độ sâu khoảng 0,3m.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm