Môi trường

Đề nghị lắp đặt thêm các trạm quan trắc động đất tại Kon Tum

DNVN - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa đề nghị tăng cường mạng lưới quan trắc, lắp đặt thêm các trạm quan trắc về động đất tại tỉnh Kon Tum.

Điện Biên xảy ra động đất mạnh 4,5 độ richter / NÓNG: Động đất 7.3 ngoài khơi Fukushima, Nhật Bản cảnh báo sóng thần cao tới 1m

Chiều 24/8, tại cuộc họp về diễn biến động đất và công tác chỉ đạo ứng phó trên địa bàn huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum), Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, trận động đất độ lớn 4,7 lúc 14h08 ngày 23/8 đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plong và các địa phương lân cận (Quảng Nam, Đà Nẵng).

Theo báo cáo ban đầu, động đất đã làm hư hại mái ngói của 1 nhà tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plong. Địa bàn tỉnh Quảng Nam không ghi nhận thiệt hại.

Vùng tâm chấn, liên tiếp xảy ra các trận động đất ở huyện Kon Plong (Kon Tum).

Theo ông Lê Văn Chính, Phó trưởng phòng Khoa học tự nhiên, Bộ KH&CN, không riêng các trận động đất ngày 23/8, mà trước đó, ngay sau trận động đất ngày 18/4/2022, thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát liên ngành trực tiếp tại địa bàn xảy ra động đất và vùng lân cận.

Sau đợt khảo sát, ngày 1/5/2022, Bộ KH&CN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả đánh giá ban đầu nguyên nhân động đất tại khu vực Kon Plong.

Theo đó, các trận động đất từ tháng 3/2021 có độ lớn từ 1,6 đến 4,5 tại khu vực huyện Kon Plong đã gây chấn động lớn nhất ở cấp 5, cấp 6. Với chấn động như vậy chưa đến mức độ nghiêm trọng.

Nhận định bước đầu, động đất ở khu vực Kon Plong là động đất kích thích do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn này.

“Trước đây hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và đặc biệt là hồ thủy điện Sông Tranh 2 cũng có quy luật như vậy. Các nhà khoa học cũng đã có những nhận định, nghiên cứu. Sau trận động đất có cường độ lớn sẽ có các động đất nhỏ do dư chấn, đây là quy luật mà các nhà khoa học cũng đã đưa ra. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh các trận động đất cần có các quan trắc, khảo sát chi tiết về kiến tạo và địa chấn trong khu vực và lân cận”, ông Chính nói.

Cũng theo ông Chính, một khó khăn mà các nhà khoa học và Bộ KH&CN dù đã cố gắng, nhưng do các kết quả nghiên cứu trước đây về hoạt động kiến tạo, động đất ở khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm đối với các công trình dân sinh và thủy điện. Về nghiên cứu động đất kích thích thì chưa có một nghiên cứu nào ở khu vực này.

Vì vậy, để phục vụ cho việc xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ nguy hiểm của động đất, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp phải có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn cùng góp sức để có những nghiên cứu chi tiết.

"Để có đủ cơ sở đánh giá nguyên nhân, mức độ, nguy cơ, ảnh hưởng của động đất nhằm tuyên truyền, ứng phó, tránh gây hoang mang cho nhân dân thì Bộ KH&CN đề nghị tăng cường mạng lưới quan trắc, lắp đặt thêm các trạm quan trắc về động đất. Theo đó, tỉnh Kon Tum cần phối hợp với các chủ đầu tư tăng mật độ các trạm quan trắc”, ông Chính nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm