Môi trường

Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi đạt mức phát thải ròng bằng “0”

DNVN - Đây là khẳng định của ông Weert Börner- Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội trong hội thảo tham vấn dự thảo “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” sáng 26/4.

Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu / TP Hồ Chí Minh: Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu để lên kịch bản ứng phó với các rủi ro

Dự thảo “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” được xây dựng với mục tiêu tích cực tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Công Thành- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việt Nam đã trình đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, hoàn thành cập nhật NDC vào 2020, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để toàn dân thực hiện.

Việt Nam cũng đã tập trung xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Dự thảo Chiến lược được xây dựng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 và thực hiện các yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Hội thảo tham vấn dự thảo "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”. (Ảnh: Hà Anh).

Chia sẻ tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen- Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: UNDP hy vọng Chiến lược dài hạn về biến đổi khí hậu sẽ tạo nền tảng rộng rãi và vững chắc cho các kế hoạch và chính sách khí hậu quan trọng khác. Cụ thể như: Kế hoạch phát triển điện số 8 (PDP8), Kế hoạch Tổng thể về Phát triển Năng lượng, cập nhật các Đóng góp do Quốc gia xác định (NDC), Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP) và Chiến lược Tăng trưởng Xanh.

Bà Caitlin khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng luật biến đổi khí hậu nhất quán và đẩy nhanh các biện pháp thích ứng là trọng tâm để để tăng cường khả năng chống chịu cho toàn xã hội, đặc biệt là đối với người dân và cộng động đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Cần thiết lập lộ trình chuyển đổi xanh và công bằng. Có các cơ chế chính sách minh bạch để theo dõi các dòng tài chính công và tư nhân hỗ trợ thực hiện các dự án, chương trình đầu tư xanh.

Ông Weert Börner- Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội khẳng định: Với việc hoàn thành Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” chỉ 5 tháng sau COP26, Chính phủ Việt Nam tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tham vọng khí hậu.

“Dự thảo Chiến lược mới cho thấy mục tiêu trung hòa khí hậu của Việt Nam tuy rất tham vọng và đầy thách thức nhưng khả thi. Dự thảo Chiến lược đóng góp một phần cực kỳ quan trọng vào cuộc tranh luận quốc gia về cam kết phát thải ròng bằng “0” và những cuộc tranh luận này vẫn cần được tiếp tục sau khi Chiến lược được phê duyệt vào năm 2022”, ông Weert Börner nói.

Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội nhấn mạnh: Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng “0” theo hướng công bằng và bền vững.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm