Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng: ĐBSCL phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ “rất trăn trở” khi ĐBSCL vẫn chưa phát triển nhanh, bền vững, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế.

Thủ tướng: Tăng cường phân cấp, phân quyền và rõ trách nhiệm trong quản lý đất đai / Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tập thể

Sáng 5/3, tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhchủ trìHội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCLthích ứng với biến đổi khí hậuvà dựLễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ NN&PTNT với các địa phương vùng ĐBSCL.

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCLphối hợp tổ chức. Cùng dự có lãnh đạo các các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL

Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39.700 km2, chiếm 12,2 % diện tích cả nước, có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp cơ cấu kinh tế của Vùng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. ĐBSCLlà trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước.

Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc. Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước.

Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật; đến hết năm 2021 có 69,6% số xã đạt chuẩn, bình quân 16,9 tiêu chí/xã, trong đó có 2 địa phương là thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đặc biệt là chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động biến đổi khí hậu, những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại.

Theo mục tiêu phát triển vùng ĐBSCLđến năm 2025 đạt tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018.

 

Để đạt mục tiêu này, ĐBSCL phải tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCLthích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL; các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Trong đó tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã. Phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của Vùng...

Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị

Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ NN&PTNT với các địa phương vùng ĐBSCL là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực nhằm cụ thể hóa, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướngPhạm Minh Chính bày tỏ “rất trăn trở” với ĐBSCL, vùng có tiềm năng, lợi thế rất lớn, điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp nói chung là thuận lợi nhất trên phạm vi cả nước, rất được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng vì sao ĐBSCL vẫn chưa phát triển nhanh, bền vững, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế? Cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về phát triển ĐBSCL như thế nào?

 

Theo Thủ tướng, nông nghiệp, cơ cấu GDP của vùng chỉ chiếm khoảng hơn 20%, công nghiệp là 32 % và dịch vụ là 46 %,bàn về nông nghiệp nhưng dưới một nền tảng được quy hoạch là công nghiệp và dịch vụchiếm đại đa số. Như vậy, câu chuyện không chỉ bàn nông thôn, nông nghiệp,màphải bàn tiếp vềcông nghiệp, dịch vụ.Muốn phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thì phải có cái gì;tư duy đột phá,tầm nhìn chiến lược ra sao.

Người đứng đầu Chính phủ đặt hàng loạt câu hỏi: ĐBSCL cần quy hoạch nguồn nguyên liệu gì? Xác định sản phẩm chủ lực,hạ tầng như thế nào? Đồng thời phải chỉ ra được mâu thuẫn, thách thức, cũng như những tồn tại, yếu kém.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Từ những trăn trở và gợi mở của Thủ tướng, tại Hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích về những tiềm năng, lợi thế, cơ hội của vùng. Các đại biểu đều khẳng định sự quan tâm, đầu tư rất lớn mà Đảng, Nhà nước và cả nước dành cho ĐBSCL; đồng thời phân tích, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, chính sách liên quan đến sử dụng đất đai, phát triển và bảo vệ rừng; ban hành cơ chế, chính sách triển khai quy hoạch vùng, phát triển hạ tầng, thúc đẩy hợp tác công - tư, huy động nguồn lực như cho phép địa phương chủ động hơn trong phát hành trái phiếu.

Kết luận phiên họp, Thủ tướngPhạm Minh Chính chỉ rõ, vị trí, vai trò của ĐBCSL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong. ĐBSCL có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Vùng có thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm, phát triển du lịch và là vùng sản xuất lương thực trọng điểm.

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng,đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước.

 

Thủ tướng khẳng định, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển KTXH vùng ĐBSCL. Thủ tướng cũng đã phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020”. Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Quy hoạch Vùng ĐBSCL - quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước được lập, thẩm định và phê duyệt, là cơ sở đặc biệt quan trọng để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản. Năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, tính liên kết trong chuỗi sản xuất chưa cao, thị trường chưa ổn định, tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu. Phát triển chưa tương xứng so với đầu tư và mong muốn. Tiềm năng, lợi thế lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Hạ tầng chiến lược phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Gỡ nút thắt hạ tầng, chú trọng nguồn nhân lực

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển vùng.Thủ tướng nhấn mạnh một số mục tiêu: Phát triển nhanh và bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo bước đột phá nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Yêu cầu quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quy hoạch vùng ĐBSCL, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xác định nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, dịch vụ là bệ đỡ phát triển nông nghiệp để mang lại giá trị thặng dư cao hơn.

 

Phát huy tính tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ "bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển" của mình, lấy nguồn lực bên trong (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa) là quyết định, cơ bản, lâu dài, chiến lược, xác định nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ, quản trị…) là quan trọng và đột phá, đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm;lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng lưu ý quy hoạch phải thực hiện 4 tốt (quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt thì có sản phẩm tốt); chú trọng việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm (trái cây, cá tra, du lịch sinh thái, du lịch biển).

Về hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ đây vẫn là một nút thắt, vùng có lợi thế về giao thông thủy, giao thông biển nhưng chưa khai thác được; cần tiếp tục phát triển hệ thống cao tốc và khai thác lợi thế giao thông đường thủy; phát triển hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục), hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh vùng có tiềm năng lớn về nắng và gió… Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư.

Người đứng đầu Chính phủnêu rõ, ĐBSCL cần đẩy mạnh đào tạo nghề, quy hoạch lại và đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng để có nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết vùng, quy hoạch sản phẩm trên cơ sở phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương.

Cùng với đó, việc tổ chức công việc, quản trị khoa học, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, đi từ nhỏ đến lớn, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, không cầu toàn, không nóng vội. Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh việc chinh phục các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ASEAN, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, khai thác các FTA đã được ký kết, với các loại sản phẩm phù hợp như vừa qua đã đưa xoài đi châu Âu. Các bộ, ngành phải đồng hành, tâm huyết cùng ĐBSCL để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tạo bước phát triển đột phá, nhảy vọt, không ngừng nâng cao đời sống người dân.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL ký kết Chương trình phối hợp công tác.

Cũng tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL đã ký kết Chương trình phối hợp công tác.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm