Môi trường

Khởi động dự án nâng cao năng lực thông tin về biến đổi khí hậu

DNVN - Ngày 21/12, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu".

Chống biến đổi khí hậu: Giới chuyên gia kêu gọi quản lý « địa công nghệ » / Chống biến đổi khí hậu: Giới chuyên gia kêu gọi quản lý « địa công nghệ »

Dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH)" (Dự án CBIT) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ và được thực hiện trong 4 năm (2022 – 2026).

Dự án hướng tới việc hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo chuyên môn thúc đẩy triển khai thực hiện các quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, theo dõi nguồn lực hỗ trợ tài chính cho ứng phó với BĐKH tuân thủ các quy định về minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris và Bộ Quy tắc Hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris.

Đại diện UNDP và Cục biến đổi khí hậu tham gia hội thảo khởi động Dự án CBIT.

3 hợp phần chính của dự án bao gồm: Tập trung xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, xác định và khai thông các điểm nghẽn trong vận hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia từ trung ương đến các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo để các cơ sở có thể thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo yêu cầu minh bạch tăng cường, tuân thủ Thỏa thuận Paris và Bộ Quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris.

Củng cố hệ thống quốc gia để theo dõi các nguồn lực tài chính quốc gia và quốc tế hỗ trợ cho thực hiện ứng phó với BĐKH.

Cùng với đó là tập trung vào các hoạt động giám sát thực hiện dự án nhằm đảm bảo tầm nhìn của dự án và chia sẻ các bài học kinh nghiệm ở cấp quốc gia và quốc tế.

Tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto, trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, thực hiện các chương trình dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) và đã bước đầu áp dụng khung minh bạch theo quy định của UNFCCC và Nghị định Kyoto.

Các quy định này đã bước đầu được thể chế hóa trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn. Theo đó, việc theo dõi, giám sát tuân thủ các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện thông qua Hệ thống quốc gia đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (MRV).

Việt Nam cần ít nhất 15-30 tỷ USD hàng năm để thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng việc áp dụng Khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris đối với Việt Nam còn rất mới.

“Để triển khai các quy định theo quy định của pháp luật cần cung cấp thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực thực hiện khung minh bạch cho các bên có liên quan. Dự án được xây dựng và trình phê duyệt nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách nêu trên”, ông Tấn nói.

Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khuyến nghị: “Dự án CBIT nên tiếp tục cập nhật các hướng dẫn với việc thu thập dữ liệu một cách hệ thống để cung cấp tài chính cho các hoạt động giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thể chế hóa các hướng dẫn và công cụ minh bạch tài chính khí hậu này là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam đảm bảo nguồn tài chính khí hậu dài hạn, đặc biệt là từ các nguồn vốn quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng vì Việt Nam cần ít nhất 15-30 tỷ USD hàng năm để thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Mới đây, Việt Nam là nước thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia, tham gia Thỏa thuận Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng( JETP) với Nhóm đối tác quốc tế G7+ .

Việt Nam dự kiến sẽ nhận được 15,5 tỷ USD hỗ trợ chương trình chuyển dịch xanh, đẩy nhanh thực hiện các cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính. Các kết quả của Dự án CBIT sẽ tăng cường tính chính xác, đồng bộ và minh bạch trong theo dõi và báo cáo kết quả giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam, qua đó liên kết chặt chẽ và đóng góp ý nghĩa vào thực hiện chương trình này.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm