Khám phá

Chống biến đổi khí hậu: Giới chuyên gia kêu gọi quản lý « địa công nghệ »

AFP cho biết, khác với một số nước Châu Âu, Hoa Kỳ không có chương trình nghiên cứu riêng biệt về « địa công nghệ ». Năm 2010, lĩnh vực này chỉ được tài trợ 100 triệu đô la, trong tổng ngân sách 4 tỷ đô la dành cho việc nghiên cứu chống biến đổi khí hậu.

Tuần hành chống biến đổi khí hậu tại công viên Rizal, Manila, ngày 02/10/2014- REUTERS/Romeo Ranoco

Vào lúc quốc tế kêu gọi nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn hành tinh, giới chuyên gia lưu ý cần phải thiết lập một cơ chế quản lý có hiệu quả « địa công nghệ - géo-ingenierie », cụ thể là các công nghệ làm thay đổi khí hậu một cách nhân tạo.

 

Trong cuộc họp hàng năm của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ - AAAS, tại California, Hoa Kỳ, vào cuối tuần qua, ông Edward Parson, giáo sư về luật môi trường tại Đại học California, cho biết « hiện nay, không có một định chế hoặc hiệp ước nào có khả năng điều tiết một cách hiệu quả các công nghệ này ».

 

Ngành khoa học « địa công nghệ », hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và gây nhiều tranh cãi, đề xuất các kỹ thuật làm thay đổi khí hậu, ví dụ phun các phân tử lưu huỳnh (soufre) vào quyển bình lưu (vùng khí quyển nằm ở độ cao từ 50 đến 100 km) để giảm bớt tia bức xạ của mặt trời.

 

Theo chuyên gia Parson, « nếu một nước quyết định tiến hành thí nghiệm đầy rủi ro về địa công nghệ, thì không có gì để ngăn cản được họ ». Do vậy, « trước khi dự tính, phát triển và sử dụng công nghệ này, cần phải có một định chế quốc tế có thẩm quyền và khả năng để đưa ra các quyết định ».

 

Trong tuần trước, một nhóm bao gồm 16 chuyên gia, được thành lập theo đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, đã đưa ra hai báo cáo về vấn đề « địa công nghệ ». Nhóm này khuyến nghị nên tiến hành các nghiên cứu, đồng thời bác bỏ việc tiến hành các thí nghiệm có « những rủi ro nghiêm trọng ».

 

Theo các nhà khoa học, các kỹ thuật trong lĩnh vực « địa công nghệ » không thể thay thế cho các nỗ lực giảm đáng kể việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và coi đây là biện pháp chắc chắn nhất, hiệu quả nhất, để ngăn chặn hiện tượng hâm nóng trái đất.

 

Bà Marcia McNutt, trưởng ban biên tập tạp chí khoa học Science, nguyên là Giám đốc Viện Vật lý địa cầu Mỹ, hiện là chủ tịch nhóm chuyên gia, đề nghị, cơ chế quản lý « địa công nghệ » phải minh bạch, rộng mở và có sự tham gia của xã hội dân sự.

 

Chuyên gia này cho rằng, một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoặc một hiệp hội khoa học hoặc một tổ chức đa quốc gia có thể đứng ra đảm trách công việc quản lý.

 

« Chủ đề này có thể lôi kéo nhiều nước khác tham gia, nếu như Hoa Kỳ bắt đầu nói tới ». Bà McNutt cho rằng, « cần phải thành lập các định chế quản lý này trước khi các thử nghiệm về địa công nghệ được tiến hành trên quy mô lớn » và bà không loại trừ khả năng tiến hành các thử nghiệm nhỏ trước đó.

 

Một thành viên khác của nhóm chuyên gia, bà Linn Russell, khuyến nghị nên bắt đầu các nghiên cứu về việc sử dụng « địa công nghệ » trong việc làm thay đổi hệ số phản chiếu tia bức xạ của mặt trời vào trái đất (từ chuyên môn là Albédo), bởi vì trong giai đoạn hiện nay, chưa có đủ các nghiên cứu khoa học để có thể biết được xem liệu việc dùng địa công nghệ có cần thiết hay không.

 

Về phần mình, ông Riley Duren, chuyên gia tại Cơ quan Hàng không không gian Mỹ NASA, nói đến việc tập trung nghiên cứu các đợt núi lửa phun trào trong tương lai vì lĩnh vực này gần gũi nhất với « địa công nghệ » để giúp giảm các tia bức xạ của mặt trời và hiện tượng hâm nóng trái đất.

 

Thế nhưng, các nhà nghiên cứu chưa đủ khả năng để « hiểu và đánh giá được các tác động đối với tầng nhiệt – lớp khí quyển cao », trong lúc « các kỹ thuật của địa công nghệ lại có thể rất cần thiết cho ngành khoa học khí hậu, giảm được những yếu tố bấp bênh trong các mô hình về tiến trình biến đổi khí hậu ».

Ngân Hà
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo