Nam giới cam kết xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
Ngày 24/11, sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng - Nam giới tiên phong trong phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ỦBND Quận 1, Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh tổ chức với sự hỗ trợ từ Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).
Sự kiện nhằm thúc đẩy sự tham gia của nam giới và cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về phòng ngừa giảm thiểu các hành vi bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đây là một hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” và “Chiến dịch Đoàn kết toàn cầu 16 ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ”.
Bà Elisa Fernandez Saenz ,Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Trên thế giới, cứ ba phụ nữ thì có một người là nạn nhân của bạo lực giới. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực phụ nữ do Tổng cục thống kê công bố năm 2020 thì 63% phụ nữ đã từng kết hôn tại Việt Nam đã trải qua một dạng bạo lực trong đời. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% đến 300%.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Mai Thị Hồng Hoa , Phó Chủ tịch ỦBND Quận 1 cho biết: “Vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái cả ở nơi riêng tư lẫn không gian công cộng là một trong những mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Trong thời gian cách ly và giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19, thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai và thực hiện các giải pháp phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong thời điểm giãn cách xã hội và tại các khu vực cách ly.
Hình ảnh những y, bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, phi hành đoàn, tài xế lái các phương tiện chuyên chở người và vật dụng, những người cung cấp dịch vụ cho nạn nhân tại các đường dây nóng, nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy, trung tâm công tác xã hội/trợ giúp pháp lý, hội viên các hội đoàn thể và các tình nguyện viên không ngại gian khó trên tuyến đầu chống dịch là dấu ấn có giá trị không chỉ về mặt truyền thông mà còn có ý nghĩa thực tiễn cho thấy cả nam giới và nữ giới là một phần quan trọng trong việc tiên phong vì một thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nam giới trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, Bà Elisa Fernandez Saenz ,Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: “Nam giới là tác nhân quan trọng cho việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Các chiến dịch truyền thông cần tập trung vào các chuẩn mực về nam tính tích cực. Ví dụ chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái với phụ nữ và xây dựng các mối quan hệ tôn trọng, yêu thương, không bạo lực, hướng đến giải quyết gốc rễ của bạo lực là thay đổi các định kiến giới đã hằn sâu vào nhiều thế hệ” - bà Elisa Fernandez Saenz nói.
Các đại biểu tham dự sự kiện.
Tại sự kiện, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong việc hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong thời gian cách ly/giãn cách xã hội. Các đại biểu cũng đưa ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất cải thiện các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng như Covid-19, nhấn mạnh đến sự phối hợp, điều phối giữa các dịch vụ liên quan gồm y tế, hành pháp, tư pháp, và công tác xã hội.
Sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và huy động các bên liên quan tham gia đồng hành phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo