Ngăn chặn việc núp bóng hàng hóa gửi kho ngoại quan để buôn lậu
Lập lại trật tự hoạt động này, Tổng cục Hải quan đang tham mưu cho Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định quản lý nhằm đáp ứng với tình hình thực tế…”, ông Âu Anh Tuấn - Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ.
Rà soát đánh giá hoạt động các kho ngoại quan
Theo lãnh đạo Cục Giám quản lý về hải quan, thời gian qua, cơ quan hải quan phát hiện một số thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại qua loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan như không khai hoặc khai không đúng tên hàng, mã số HS, số lượng, khối lượng hàng hóa để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, gian lận tiền thuế, trốn tránh các quy định về chính sách quản lý mặt hàng.
Các đối tượng còn không khai báo để đưa vào kho ngoại quan hàng hóa thuộc diện không được phép gửi kho ngoại quan; lợi dụng hình thức gửi kho ngoại quan để tạm nhập, tái xuất hàng hóa né tránh các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Cá biệt có trường hợp vận chuyển không đúng tuyến đường, tự ý tắt định vị GPS, phá niêm phong, sang tải hàng hóa trái phép trong quá trình vận chuyển, đăng ký gửi hàng hóa vào kho ngoại quan nhưng thực tế lại không đưa vào kho.
Trước thực tế nêu trên, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các kho ngoại quan trên địa bàn, đề xuất tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động các kho ngoại quan không đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Đến nay, nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố đã tích cực vào cuộc và có báo cáo về Tổng cục Hải quan. Điển hình như Cục Hải quan Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi cục hải quan: Bắc Thăng Long, Gia Thụy, cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài rà soát điều kiện, đánh giá tình hình hoạt động của các kho ngoại quan trên địa bàn, đề xuất tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động các kho ngoại quan không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP.
Cục Hải quan Hải Phòng cũng tiến hành rà soát 37 kho ngoại quan đang hoạt động trên địa bàn quản lý, đôn đốc các DN kinh doanh kho ngoại quan hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP và Thông tư 84/2017/TT-BTC. Cục Hải quan Hải Phòng cũng đề nghị, quá thời hạn 6 tháng kể từ khi có quyết định công nhận DN đưa kho, bãi địa điểm vào hoạt động nhưng không có hàng hóa đưa vào - đưa ra kho bãi địa điểm đã được công nhận thì chấm dứt hoạt động.
Bổ sung quy định hoạt động kho ngoại quan
Lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết thêm, đơn vị được Tổng cục Hải quan giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất đưa vào thông tư sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành các nội dung cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải tiến quy trình quản lý đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ từ khi hàng hóa được phê duyệt vận chuyển để gửi vào kho cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan, xác nhận thực xuất.
Theo đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC; trong đó sẽ quan tâm đến quản lý hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan.
Cụ thể, sẽ quy định chi tiết các khâu thủ tục từ việc khai báo, giám sát đối với hàng hóa đưa vào kho ngoại quan, đưa từ khu phi thuế quan hoặc từ nội địa vào kho ngoại quan; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa hoặc nhập khẩu vào khu phi thuế quan hoặc tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế…
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định, định kỳ mỗi năm một lần, cục hải quan tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của kho ngoại quan và việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ kho ngoại quan, báo cáo kết quả kiểm tra về Tổng cục Hải quan. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cục hải quan tiến hành kiểm tra đột xuất kho ngoại quan.
Để lập lại trật tự hoạt động kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo Cục Quản lý rủi ro bổ sung các tiêu chí để tăng cường phân luồng kiểm tra thực tế đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, đặc biệt các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, đồ điện tử nhập khẩu gửi kho ngoại quan để xuất đi một số nước.
Để tăng cường công tác quản lý, phòng chống vi phạm từ hoạt động gửi kho ngoại quan, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Quảng Trị rà soát tình hình, đánh giá mặt hàng có nguy cơ gian lận cao. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo