Nghịch lý ở rừng phòng hộ Sóc Sơn: Người ở đỉnh cao, người về vực sâu
(DNVN) - Người dân gắn bó với mảnh đất này từ thủa sơ khai thì không được sửa chữa nhà, dù đã hư hỏng. Người mua bán đất trái phép thì thoải mái xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng.
Vĩnh Phúc thanh tra toàn diện dãy biệt thự “mọc” trên đất rừng / Xóa biệt thự ở rừng phòng hộ Sóc Sơn, Hà Nội có “quân lệnh như sơn”?
Những căn nhà thủa mới đến vùng kinh tế mới Đồng Đò, nay là thôn Minh Tân (Ảnh người dân cung cấp)
Cách đây gần 40 năm, theo chủ trương của huyện Sóc Sơn, 130 hộ dân, với 474 nhân khẩu của 5 xã trong huyện Sóc Sơn, đến khu vực Đồng Đò, nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí, để khai hoang, trồng rừng, phát triển kinh tế.
Ngần ấy thời gian là cả chặng đường dài, những người dân đi xây dựng khu kinh tế mới Đồng Đò đã biến nơi đây thành một Đà Lạt thứ 2.
Và một “Đà Lạt thứ 2” là nơi tìm đến của những người “giàu tiền, dư của”. Bắt đầu là những căn nhà, rồi nâng cấp lên là những biệt thự, villa, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Trong vòng 10 năm trở lại, những địa danh Minh Phú, Minh Trí… trở thành công trường xây dựng tấp nập. Từ chốn hoang vu bỗng trở thành khu “đô thị hạng sang” với những biệt thự đẳng cấp.
Tòa biệt thự nguy nga, sặc sỡ mọc trên đất rừng thuộc xã Minh Trí. (Ảnh Vietnamnet)
Có một nghịch lý là, người dân “chính hiệu” của thôn Minh Tân ( Minh Trí), đất đai họ khai khẩn gần 40 năm qua, không được cấp sổ đỏ. Nhà hư hỏng cũng không được xây mới, do nằm trong bản đổ quy hoạch năm 2008.
“Đi xin phép cơ quan có thẩm quyền của huyện Sóc Sơn, nhận được câu trả lời là, đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường. Chúng tôi xây mới, chính quyền không cho”- Chị Trần Thị Hoan, thôn Minh Tân nói với phóng viên VTV.
Chị Trần Thị Hoan, thôn Minh Tân bức xúc trả lời phóng viên VTV. (Ảnh cắt từ clip của VTV)
Việc mua bán đất của các “đại gia” với người dân thôn Minh Tân được lãnh đạo huyện Sóc Sơn xác định là trái phép, nhưng không hiểu sao vẫn mọc lên những biệt thự, khu nghỉ dưỡng.
Nghịch lý này khiến người dân Tân Minh rất bất bình. Người đến mua đất thì được xây biệt thự, villa, người có đất thì không được sửa chữa căn nhà đã xuống cấp của mình.
Hơn 300 hộ dân “thực thụ” thôn Tân Minh rơi vào tình cảnh, đất khai hoang, sử dụng ổn định gần 40 năm qua, được quy hoạch là đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường…nên có nguy cơ trắng tay.
Những người dân Tân Minh nói rằng, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền xem xét, đưa diện tích đất ở của người dân ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ, để đảm bảo quyền lợi cho những người dân đã có công khai phá và làm nên một “Đà Lạt thứ 2”.
“Chúng tôi kiến nghị như vậy không phải là cứu những người đến đây mua đất xây biệt thự; khu nghỉ dưỡng. Đơn giản như chúng tôi ở đây lâu đời còn không được cấp phép sửa chữa nhà, còn những ngôi biệt thự, khu nghỉ dưỡng không phép là chắc chắn”- người dân thôn Tân Minh bức xúc, chia sẻ với báo giới.
Đúng là một nghịch cảnh nhức nhối: Người giàu mua đất thì ở đỉnh cao, người nghèo có đất thì về vực sâu.
Huyền Lê
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo