Nha Trang vừa trải qua trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều chục năm trở lại đây khiến nhiều người chết và mất tích, hàng loạt khu dân cư như vừa gánh chịu một trận bom.
Ám ảnh sạt lở
Cũng thời gian này cách đây một năm, sau nhiều ngày mưa lớn, ngọn núi Xanh phía sau lưng thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng (TP.Nha Trang) bất ngờ đổ sập khiến hàng chục ngôi nhà bị vùi trong bùn đất, 4 người chết và 3 người bị thương nặng. Những tưởng cảnh tang thương do lở núi sẽ không tái diễn, vì cách đây một tuần, chính quyền TP.Nha Trang đã rà soát tất cả các điểm nguy cơ sạt lở để có hướng xử lý.
Thế nhưng, hôm qua (18/11), trận lũ kinh hoàng do ảnh hưởng của cơn bão số 8 đã trút xuống TP này một lượng nước khổng lồ với 388 mm khiến tất cả hệ thống thoát nước gần như bị tê liệt. Nước từ các ngọn núi trút xuống xối xả, tràn qua nhiều khu dân cư, cuốn theo tất cả những gì cản trở nó.
12 người chết, 2 người mất tích
Báo cáo của Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) Nha Trang, cho biết đến cuối giờ chiều 18.11, trên địa bàn TP đã có 12 người chết, 2 người mất tích, hàng chục ngôi nhà bị nước lũ đánh sập, cuốn trôi, nhiều tuyến đường trong TP bị ngập sâu, nhiều khu dân cư bị chia cắt khiến lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường rất khó khăn.
Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Khánh Hòa, đa số các nạn nhân trong trận lũ này đều bị đất đá từ núi đổ xuống gây sập nhà dẫn đến tử vong.
Trong đó vụ sạt lở núi ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng là rất kinh hoàng với 4 người chết, nhiều người bị thương. Còn các khu dân cư tại P.Vĩnh Trường, P.Vĩnh Thọ, mỗi phường có 2 người chết. Đáng thương là trường hợp của anh Trần Hoàng Phong (33 tuổi) ở tổ 1, Hòa Tây, P.Vĩnh Hòa. Mưa lớn khiến đất đá từ núi Cô Tiên tràn xuống làm sập nhà, đè chết hai con nhỏ của anh, cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ mới đầy năm. Vợ anh Phong, chị Nguyễn Thị Thủy bị thương nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa. Còn anh Phong thì bị vùi trong ngôi nhà mình, đến xế chiều 18/11 vẫn chưa tìm thấy. Trên bàn phòng khách vẫn còn những bó hoa mà học sinh vừa mới thăm thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo VN. Thật quá đau xót!
Căn nhà giờ chỉ còn bùn đất
Chúng tôi về thôn Thành Phát, xã Phước Đồng - nơi bị thiệt hại về người nhiều nhất với 4 người chết và hàng chục ngôi nhà bị nước lũ càn quét tan hoang. Để đến được khu dân cư này, phải đi bộ trên những tảng đá dày đặc, nước chảy xiết chẳng khác gì như đi dưới lòng sông. Con đường chỗ thì nhầy nhụa đất bùn, chỗ thì lởm chởm đá hộc. Chính những tảng đá này bị nước lũ mang theo đã làm xô lệch, nghiêng đổ nhiều ngôi nhà trong khu dân cư. Nước lũ cũng mang theo nhiều vật dụng sinh hoạt của các gia đình, cái bị vùi trong bùn đất, cái bị đất đá làm cho tan tành. Nhà nào cũng ngập trong bùn sau khi nước lũ tràn qua.
Anh Huỳnh Văn Quang, người dân thôn Thành Phát, mếu máo: “Nước từ núi đổ xuống, kéo sập tường nhà, cuốn trôi hết đồ đạc. Tiền bạc, áo quần, giấy tờ… đều bị cuốn đi hết. Căn nhà giờ chỉ còn bùn đất. May là lúc lũ về hai vợ chồng đã đưa hai đứa con về nhà bà ngoại gửi, không thì chưa biết chuyện gì xảy ra”.
Nhà ở gần đó và cũng bị hư hỏng nặng do mưa lũ, chị Phạm Thị Thoa cho biết: “Chúng tôi sống ở đây từ năm 2000 nhưng chưa năm nào bị mưa lũ nặng nề như năm nay. Lũ đổ xuống quá nhanh, người dân không ai kịp trở tay”. Ông Đặng Lợi, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho biết thôn Thành Phát có khoảng 300 hộ dân. Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục công tác cứu hộ cứu nạn, đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Buộc chuyển dân và tìm kiếm người mất tích
Ngay từ sáng sớm 18/11, TP đã huy động 400 chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang gồm công an, quân đội và dân quân tự vệ để tham gia cứu nạn nhưng nhiều điểm dân cư vẫn khó tiếp cận được khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn. Ngay từ đêm 17/11, những dấu hiệu bất thường của thời tiết khiến nhiều gia đình phải chuyển trẻ con và người già đi lánh nạn ở nơi an toàn hơn. Tuy nhiên, rủi ro vẫn xảy ra ở những điểm bất ngờ nhất như gia đình chủ một quán phở trên đường Tôn Thất Tùng, bị núi lở đè lên làm 2 người chết. Vì vậy, chính quyền TP không du di cho những người còn bám lại trong nhà.
Tại cuộc họp với các sở, ngành và TP.Nha Trang chiều 18/11, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu các lực lượng và chính quyền các cấp phải kiên quyết buộc dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm ngay trong đêm 18/11.
Nhiều tuyến đường bị tê liệt
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm khí tượng thủy văn, lượng mưa đã trút xuống Nha Trang trong buổi sáng 18/11 là 388 mm, nhiều gấp chục lần so với dự báo khiến tất cả các hệ thống thoát nước của TP đều tắc nghẽn, nhiều tuyến đường trung tâm Nha Trang như: 23 Tháng 10, 2 Tháng 4, Điện Biên Phủ... bị ngập sâu cục bộ, gây khó khăn cho người dân qua lại.
Nghiêm trọng nhất là tại đại lộ Nguyễn Tất Thành (đường nối TP.Nha Trang vô sân bay Cam Ranh), mưa lớn từ tối 17 và sáng 18/11 khiến con đường này, đoạn thuộc xã Phước Đồng bị tê liệt hoàn toàn, do ngập nặng và xuất hiện điểm sạt lở. Dọc tuyến đường có nhiều khu vực bị ngập cục bộ, mực nước ngập sâu từ 0,5 - 1 m, có những khu vực ngập sâu đến khoảng 1,5 m, khiến các phương tiện giao thông không thể qua lại.
Hiện tại, các phương tiện lưu thông theo hướng Nha Trang - sân bay Cam Ranh và ngược lại phải di chuyển theo QL1. Tại nhiều điểm trên đèo Cù Hin, đất đá sạt xuống, chắn kín mặt đường. Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa, cho biết: “Hiện giao thông trên tuyến đường tê liệt hoàn toàn. Nhanh nhất phải trưa 19/11 mới có thể thông xe được”.
Hệ quả từ nhà “nhảy dù” Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Khánh Hòa, đa số các nạn nhân trong trận lũ này đều bị đất đá từ núi đổ xuống gây sập nhà dẫn đến tử vong. Phần lớn các gia đình có người tử nạn đều là những gia đình quá nghèo, nhà của họ bị giải tỏa để mở rộng đường hoặc bị giải tỏa từ các dự án “phát triển đô thị”. Nhận được một ít tiền đền bù, không đủ để mua miếng đất tại các khu đô thị, họ bèn “nhảy dù” lên các sườn núi để chiếm đất làm nhà. Vì là nhà “tự phát” nên mạnh ai nấy làm, xây theo ý mình hoặc tùy vào túi tiền. Hầu như việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho các khu dân cư này không có, mỗi lần lũ lớn là cư dân ở đây nơm nớp với chuyện lở núi! Nha Trang hiện có trên 500.000 dân, nhưng số “nhảy dù” đã lên tới hàng ngàn gia đình. Các ngọn núi quanh TP, hoặc là bị/được xúc đất để san lấp mặt bằng cho các dự án, hoặc là được san ủi để hình thành các khu dân cư nhưng hệ thống bờ kè chống sạt lở là rất mong manh, số còn lại là dành cho những người nghèo không đủ khả năng mua đất các dự án. Họ sống quá tạm bợ trước sự “bất lực” của chính quyền TP. Các cuộc “nhảy dù” của dân nghèo nay bắt đầu trả giá mỗi khi có lũ.
|
Theo thanhnien.vn
Cảnh tan hoang ở thôn Thành Phát (xã Phước Đồng, TP.Nha Trang) ẢNH: NGUYỄN CHUNG.