Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam
El Nino sẽ gây thiếu hụt mưa, hạn hán nhiều nơi trên cả nước / Dự báo thời tiết ngày 18/6/2023: Hà Nội tiếp tục nắng nóng gay gắt
Việt Nam thu hút nhiều nhà sản xuất chip bán dẫn
Báo Lao động trích dẫn dự báo của ngân hàng Standard Chatered, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)… phần lớn đều tin tưởng mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay đạt 6,5% như Chính phủ đặt ra, dù đầy thách thức, nhưng vẫn hoàn toàn có thể đạt được.
Theo WGSN (Công ty toàn cầu về dự báo xu hướng), Việt Nam sẽ sớm trở thành nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và là một trong những quốc gia có kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong năm 2023. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các nhãn hiệu và sản phẩm nội địa với 76% số người thích hàng hóa mang thương hiệu nội địa và "Made in Vietnam" hơn các thương hiệu nước ngoài.
Việc một số tập đoàn lớn mở rộng đầu tư, quy mô hoạt động tại Việt Nam thời gian qua cũng góp phần khẳng định mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Nhiều nhà sản xuất các thiết bị bán dẫn đã nhanh chóng công bố gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam - được đánh giá là "ngôi sao đang lên" của thị trường chất bán dẫn toàn cầu. Bằng cách nắm bắt chiến lược phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam có tiềm năng nâng cao vị thế toàn cầu của mình trong chuỗi giá trị, chuyển đổi từ mô hình thâm dụng lao động sang mô hình công nghệ tiên tiến, theo báo Đầu tư.
Việc thu hút được các tập đoàn lớn tới đầu tư đã là một thành công, nhưng để giữ chân "đại bàng" ở lại cũng là một áp lực rất lớn, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục có những cải thiện về thể chế, môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực; cần có những giải pháp mang tính đột phá giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, từ đó mới có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, báo Nhân dân thông tin.
Nông sản vươn xa bằng cách "tự làm mới mình"
Nông nghiệp thời gian qua cũng ghi nhận những tín hiệu đáng mừng. Đơn cử như hiện nay, quả vải đang vào chính vụ thu hoạch. Dường như cụm từ "giải cứu" không còn thấy xuất hiện. Nhiều loại nông sản khác cũng đạt kỷ lục như sầu riêng, gạo…
"Tự làm mới mình" là từ báo Nông thôn Ngày nay dành cho sự đổi mới trong cách thức tiêu thụ nông sản.
Nhiều mô hình hợp tác mới giữa nhà vườn với công ty vận tải đường sắt, với công ty tổ chức sự kiện thời trang, với ngành hàng không đưa trái cây lên bữa ăn trên không.
Nhiều loại trái cây cũng phát triển theo hướng bền vững khi được đăng ký mã số vùng trồng, tham gia vào các hội chợ triển lãm quốc tế, mở ra thêm nhiều thị trường mới tiềm năng; đồng thời chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống; chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến sâu từ gạo.
Ngân hàng nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, cuối tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Mức giảm với một số loại lãi suất điều hành là 0,25 đến 0,5%. Đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp kể từ giữa tháng 3 tới nay. Mức giảm lãi suất điều hành này sẽ có hiệu lực vào ngày 19/6 tới.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới.
Cổng thông tin điện tử của Chính phủ bình luận động thái này của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần giúp thực hiện công tác điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết trên báo Người lao động, bài toán về giảm lãi suất vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, cũng vừa kích cầu tín dụng, đầu tư và tiêu dùng. Đồng bộ cùng với những giải pháp khác như chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ đầu ra cho hàng hóa sẽ giúp đảm bảo phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực hơn.
Theo một số chuyên gia, giảm lãi suất là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ. Nhu cầu tín dụng vẫn luôn có nhưng chưa thể khởi sắc trong ngắn hạn do lãi suất cho vay chưa giảm về mức hợp lý để kích cầu.
Vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại
Bên cạnh những thành quả đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại mà Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Theo báo Đầu tư, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Ngoài những nguyên nhân khách quan từ tình hình thế giới, nguyên nhân chủ quan là hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động thiếu liên kết, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, chưa có tính kết nối cao giữa các loại hình vận tải, giao nhận…
Trong tuần, phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là phải tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
Hiện nay chúng ta đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt các dự án kết nối vùng, liên vùng, kết nối Bắc Nam, Đông Tây. Cuối tuần này, Thủ tướng đã dự Lễ khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, có ý nghĩa rất quan trọng với vùng ĐBSCL. Thủ tướng cũng dự khởi công đồng loạt 3 dự án thành phần đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Việc triển khai quyết liệt các dự án hạ tầng giao thông cũng góp phần giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Còn tờ Thanh Niên, đề cập đến một khía cạnh khác của thương mại điện tử xuyên biên giới.
Một "hệ sinh thái" đầy đủ từ nguồn hàng, dịch vụ thanh toán ngoại tệ, vận chuyển xuyên biên giới rồi giao tận nơi, hỗ trợ bán hàng qua internet… đã đặt ra yêu cầu trong việc kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch thương mại điện tử và hoạt động mua bán qua mạng xã hội.
Cơ hội và dư địa tăng trưởng là vẫn còn. Việc nhanh chóng nắm vững thông tin thị trường, xu thế phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sẽ là then chốt để giữ cho đoàn tàu kinh tế tiến lên phía trước.
Theo báo Tuổi trẻ, nhiều doanh nghiệp logistics, ngân hàng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo hoạt động kinh doanh để tăng sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí. Các cơ sở đào tạo cũng triển khai ngành học đáp ứng nhu cầu lao động có chuyên môn trình độ cao.
Việc các tập đoàn lớn chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam là cơ hội để doanh nghiệp logistics trong nước cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài có yêu cầu khá khắt khe về các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trong đó dịch vụ logistics cũng phải đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững, theo báo Đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo