Tin tức - Sự kiện

Những chính sách 'chưa từng có tiền lệ' đã góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội khóa XV ban hành tại Kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đà Nẵng: Kiến nghị bảo đảm an toàn cho khách du lịch tàu biển cập cảng Tiên Sa / Thông tin mới nhất về cải cách tiền lương

Nghị quyết đã bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau dịch COVID-19, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế.

Chú thích ảnh
Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN.

Quyết sách đúng đắn, kịp thời

Việc ban hành và triển khai Nghị quyết 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Tổng số thuế, phí, lệ phí đã miễn, giảm thực hiện theo các chính sách thuộc Chương trình là 60.531 tỷ đồng, bằng 94,6% dự kiến khi xây dựng Chương trình (64 nghìn tỷ đồng). Qua đó, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Các chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước… đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023, 2024.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, việc thực hiện Chương trình đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,12%, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Đặc biệt, doanh thu du lịch lữ hành tăng 231,5%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%.

Năm 2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp hơn mục tiêu đề ra (chỉ đạt 5,05%), nhưng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, phục hồi tích cực hơn qua từng quý và đồng đều, tăng trên cả 3 khu vực của nền kinh tế. Đây là một cố gắng, quyết tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cũng đạt được một số kết quả tích cực như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như chi cho phòng, chống dịch COVID-19, triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đầu tư phát triển, đồng thời tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Chỉ tiêu nợ công đến cuối năm 2022 khoảng 37,4% GDP, đến hết năm 2023 khoảng 37%, dưới ngưỡng cảnh báo tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội (55%).

“Kết quả quản lý nợ công là điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô. Nợ công của Việt Nam được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế đánh giá là bền vững và tạo dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng, hợp lý khi cần thiết, đặc biệt là trong đợt bùng phát nghiêm trọng dịch COVID-19 vừa qua”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay.

Những con số đáng chú ý như, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2022 là 2,79%, năm 2023 ước là 2,73%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát được kiềm chế, trung bình cả năm 2022 CPI tăng 3,15% so với năm 2021, năm 2023 CPI ước tăng 3,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 4-4,5%.

Thu ngân sách nhà nước cả năm 2022 bằng 128,6% dự toán, năm 2023 ước bằng 108,12% dự toán, là kết quả tích cực trong bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước nhiều khó khăn, thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân.

Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho người dân, doanh nghiệp

Thực hiện các chính sách tài khóa, năm 2022, Chính phủ đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, thuế suất thuế giá trị gia tăng và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác trong phạm vi của Chương trình là 61.036 tỷ đồng, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.

Cùng với đó, gia hạn thời gian nộp các loại thuế, tiền thuê đất là 114.523 tỷ đồng, thông qua đó hỗ trợ chi phí cơ hội 7,4 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh linh hoạt, chủ động sử dụng dòng tiền phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất với Nhà nước.

Trước tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Kết quả thực hiện các chính sách này trong năm 2022 khoảng 38.057 tỷ đồng.

Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết số 43, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn cho rằng, việc khẩn trương triển khai kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã giúp giảm các nghĩa vụ tài chính, giảm chi phí sản xuất, góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, khôi phục và mở rộng sản xuất, ổn định đời sống và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế.

“Chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng trong năm 2022 và nửa cuối năm 2023 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao”, ông Trần Văn Tuấn nói.

Trong bối cảnh trong nước và quốc tế khó khăn, thách thức với nhiều diễn biến mới phức tạp và khó lường, chính sách tiền tệ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mà những nhiệm vụ này trong nhiều thời điểm có thể triệt tiêu và mâu thuẫn nhau, khó có thể đạt được cùng lúc. Trong điều kiện đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kiên định với mục tiêu xuyên suốt là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và theo dõi sát diễn biến, tình hình để linh hoạt quyết định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để ứng phó kịp thời.

Đối với điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng trong tổng thể các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay cơ bản hoàn thành theo chỉ đạo tại Nghị quyết 43. Theo đó, đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng tiền đồng Việt Nam (VND) của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 2,5%/năm so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực theo quy định giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2021.

Kiểm soát dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới

Với các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; đẩy mạnh tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bảo đảm kịp thời, khoa học, bám sát quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19, dịch bệnh đã được kiểm soát, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến ngày 31/12/2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bao gồm ngân sách nhà nước là 186.400 tỷ đồng và viện trợ, tài trợ khoảng 43.600 tỷ đồng, trong đó, đã huy động trên 11.600 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 để mua, nhập khẩu, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19. Đã mua và tiếp nhận 259,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó viện trợ, tài trợ gần 160 triệu liều, riêng viện trợ của Chính phủ các nước gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24.000 tỷ đồng.

Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân. Ngân sách trung ương đã hỗ trợ cho 59/60 địa phương (tỉnh Tuyên Quang không đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương) với tổng kinh phí 3.679,3 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt người lao động. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi đến hết năm 2023 cho hơn 615,6 nghìn lượt khách hàng vay vốn, đạt 38.400 tỷ đồng, bằng 100% quy mô nguồn lực được Quốc hội cho phép. Ngân hàng này cũng hỗ trợ lãi suất cho vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm là 2.995 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng, đạt 99,8% quy mô nguồn lực được Quốc hội cho phép.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm