Nữ sinh mồ côi cha lo không có tiền theo học đại học
Dùng thuốc đầu que diêm làm pháo, bé trai bị hỏng mắt / Rủ nhau tắm sông, 4 học sinh tiểu học chết đuối thương tâm
Đó là hoàn cảnh của nữ sinh Hoàng Thị Ánh ở thôn 4, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Ánh là con duy nhất trong gia đình, bố mất từ khi em còn nhỏ, hiện em sống với mẹ và bà ngoại già yếu năm nay đã ngoài 90 tuổi. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên Ánh luôn cố gắng, nỗ lực học tập để không phụ lòng bà ngoại và mẹ.
Mẹ Ánh - chị Hoàng Thị Tuyết (SN 1965) sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau nên không làm được những việc nặng nhọc. Trong khi đó, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng lúa nên càng khó khăn hơn.
Lên cấp 3, học trường THPT Hà Trung (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thương bà và mẹ nên có những lúc Ánh có suy nghĩ bỏ học để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ. Thương con, chị Tuyết đã động viên Ánh đi học để có tương lai tốt hơn.
Mặc dù không có điều kiện học tập như các bạn cùng trang lứa, nhưng nỗ lực vươn lên đã giúp Ánh đạt được kết quả tốt trong học tập. Suốt 12 năm học, em luôn là học sinh giỏi.
Ánh cũng tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đạt được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhì cuộc thi giải Toán trên máy tính cầm tay, giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh môn Toán năm lớp 12...
Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Hoàng Ánh đạt 24,35 điểm thi tổ hợp 3 môn xét tuyển khối A, trong đó, môn Toán 8,6 điểm; Vật lý 8,5 và Hóa học 7,25. Đây là điểm số tương đối cao với một học sinh ở vùng quê nghèo. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến Ánh có nguy cơ phải gác lại ước mơ vào giảng đường đại học của mình.
Nguyện vọng ban đầu của Ánh là nộp hồ sơ xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự với mong muốn bớt đi chi phí học tập cho gia đình, tuy nhiên em thiếu 0,25 điểm so với điểm chuẩn của trường. Với số điểm trên, em đỗ vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khoa Điện tử viễn thông, đạt được mong ước bước vào giảng đường đại học. Nhưng con đường đến với giảng đường của Ánh còn nhiều chông gai khi gia đình chưa biết lấy đâu để trang trải chi phí học tập cho em.
“Khi biết mình đậu đại học rồi, mà em vẫn thấy âu lo vì không biết có được đi học hay không. Bà ngoại thì già yếu, còn mẹ em thì ốm đau, bệnh tật thường xuyên, lo cho cuộc sống hàng ngày đã khó khăn rồi. Tới đây, nếu phải thêm chi phí học đại học cho em thì chắc mẹ không thể lo nổi”, Ánh chia sẻ.
Từ ngày biết điểm thi và không vào được trường quân đội, Ánh buồn lắm. Thậm chí, Ánh đã quyết định sẽ không đi học đại học.
“Sau khi biết không đậu trường quân đội, cháu nó buồn lắm. Nó còn nói với mẹ là không đi học đại học nữa. Biết hoàn cảnh rất khó khăn nếu cháu đi học, nhưng nghĩ con 12 năm cố gắng học tập, giờ phải ở nhà thì thiệt thòi cho cháu quá nên tôi động viên cháu cố gắng theo học, đến đâu hay đến đó”, chị Tuyết nghẹn ngào.
Khi được hỏi về việc học tới đây, Ánh tâm sự: “Tất cả là dựa vào ngân hàng thôi ạ! Nếu vay được bà con, anh em thêm chút nào thì sau này học xong em trả chứ chẳng còn cách nào nữa. Khi ra Hà Nội học, em sẽ kiếm thêm việc làm. Em cũng không chắc có thể lo được đến lúc nào. Trước đây, để lo cho em ăn học, mẹ đã phải vay mượn ngân hàng và những khoản nợ ấy giờ vẫn chưa trả được”.
Được biết, trong quá trình Ánh học phổ thông, mẹ em làm ruộng được bao nhiêu tiền thì lấy nộp học phí cho con, còn không đủ thì lại đi vay. Đến nay mẹ em đã vay ngân hàng 8 triệu đồng và vay của anh em họ hàng 15 triệu đồng.
Sau khi nắm bắt được hoàn cảnh gia đình khó khăn của Ánh, Huyện đoàn Hà Trung đã đề nghị Tỉnh đoàn trao tặng học bổng “Tiếp sức tới trường” cho em. Đồng thời, kêu gọi các tập thể, cá nhân, đơn vị tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ để em có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục theo đuổi ước mơ.
Dù rất quyết tâm, nhưng nghĩ đến mẹ và bà ngoại, Ánh lại thấy tủi thân: “Mẹ em yếu lắm, một mắt không nhìn thấy, còn mắt kia cũng mờ rồi (mẹ Ánh bị tật mắt bẩm sinh - PV). Nhưng mẹ bảo Cứ đi học đi, mẹ vay cho rồi cố mà học sau này thay đổi cuộc sống, đừng để khổ như mẹ. Nhiều lần em thấy mẹ khóc vì lo không nuôi được em ăn học”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo