Tin tức - Sự kiện

Phát lộ di tích hơn 3.000 năm tuổi tại Đền Thắm, Bắc Kạn

Đền Thắm là một di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc huyện Chợ Mới, cách TP Bắc Kạn hơn 40 km về hướng nam.

Gần 3,5 tỷ đồng đền bù các hộ dân vụ vỡ đập thải nhà máy phân bón / Triển khai quyết định nhân sự của Ban Bí thư Trung ương Đảng

Di tích nằm gần ngã ba sông, phong cảnh nơi đây thật thơ mộng, phía trước đền là dòng sông Cầu nước trong xanh, hiền hòa uốn lượn. Sau đền là vách đá sừng sững của dãy Thông Khuông uy nghi. Mỗi buổi chiều tà, hình bóng ngôi đền lung linh trên mặt nước lăn tăn gợn sóng trông thật huyền diệu.

Đền thờ một vị nữ tướng có tên là Thắm, một sơn nữ người dân tộc tài sắc vẹn toàn, có công lớn trong công cuộc chống giặc Cờ Đen vào nửa cuối thế kỷ XIX. Trước đây đền là nơi thờ Sơn thần, Thuỷ thần để cầu cho thuyền bè được qua lại bình yên.

Đền Thắm, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn.

Đền Thắm, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn.

Trải qua nhiều biến cố đổi thay theo thời gian, ngôi đền đã nhiều lần được tu sửa mở rộng. Năm 2012, Đền Thắm được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

Mới đây, một bất ngờ lớn được phát hiện từ lòng đất của ngôi đền. Trong khi đào tu sửa kiến trúc tại khu vực gần vách đá phía Tây Bắc, những người công nhân thi công đã phát hiện ngẫu nhiên một khối lượng lớn những di vật của người tiền sử.

Theo dấu người thợ, ở độ sâu khoảng 50cm so với bề mặt, người ta bắt gặp một khoảng đất có màu xám đen, đào sâu thêm chút nữa, những di vật của người xưa dần xuất lộ. Đó là những mảnh gốm thô cổ, khác lạ nằm ngổn ngang. Có những mảnh lớn to bằng nửa thân chiếc nồi vỡ dọc còn đủ phần miệng, thân, đáy.

Phần lớn có hoa văn trang trí trên bề mặt với những mô-túyp kỹ thuật tạo hoa văn cổ sơ như văn thừng đập, hay khắc vạch hình sóng nước. Những mảnh gốm này có thể được vỡ ra từ nhiều loại nồi, vò, bình gốm với nhiều kích cỡ khác nhau.

 

Phát lộ di tích hơn 3.000 năm tuổi tại Đền Thắm, Bắc Kạn - ảnh 1 Một mảnh nồi gốm có hoa văn trang trí.

Đặc biệt chú ý hơn cả là những mảnh sọ người, răng người cùng nhiều đoạn xương chi nằm lẫn trong những mảnh gốm. Có tất cả gần 10 mảnh sọ người cùng hơn 50 chiếc răng rời, trong đó có 9 răng hàm còn lại là răng nanh và răng cửa.

Quá đỗi ngạc nhiên và tò mò, lưỡi cuốc khai quật tiếp tục mở rộng, lại thêm nhiều chiếc răng xuất lộ cùng một số di vật cổ khác như vòng trang sức bằng đá còn khá nguyên vẹn, một chiếc trâm bằng đồng đã bị gỉ xanh, một dọi xe bằng đất nung, một vài răng nanh thú có lỗ khoan nhỏ xuyên thủng, một chiếc đục đá mài nhẵn và một vài mảnh vòng bằng đá bị vỡ.

Quan sát những gì còn sót lại cho thấy, những mảnh vòng đều được chế tác từ loại đá bán quý, cấu trúc hạt mịn, thấu quang với kỹ thuật khoan, mài vô cùng tinh xảo.

Chiếc dọi xe chỉ bằng đất nung còn khá nguyên vẹn có hình chóp cụt với một lỗ tròn nhỏ, xuyên tâm trục dọc di vật. Chiếc đục bằng đá cứng được mài nhẵn với phần rìa lưỡi có hình lòng máng. Chắc hẳn đây là chiếc đục vũm chuyên dùng để đục lỗ mộng hình tròn.

Lưỡi cuốc người thợ tiếp tục đi sâu vào lòng đất đến độ sâu khoảng gần 1m thì tất cả cùng ồ lên kinh ngạc và thú vị khi những chiếc rìu đá mài nhẵn hiện dần trên nền đất cứng màu nâu sẫm, cùng một mũi nhọn bằng xương.

 

Phát lộ di tích hơn 3.000 năm tuổi tại Đền Thắm, Bắc Kạn - ảnh 2 Hiện vật đá, đồng và xương ở Đền Thắm.

Những chiếc rìu mài có rìa lưỡi thật sắc bén. Chiếc mũi nhọn bằng xương được tạo tác từ một đoạn xương ống của thú rừng, một đầu được đẽo và mài rất nhọn. Tất cả mọi người bàn tán xôn xao, rồi tất cả cùng lặng im suy ngẫm.

Họ chợt nghĩ về những bí ẩn lịch sử to lớn vô tình phát lộ dưới lòng đất đền Thắm. Những di vật được cất giữ cẩn thận theo vị trí và độ sâu của hố đào.

Sự việc nhanh chóng được thông báo đến Ban quản lý Đền Thắm và thông tin tới cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Kạn. Những chuyên gia bảo tàng và khảo cổ học có mặt tại hiện trường ngay sau đó, bắt tay luôn vào công việc khảo sát.

Rất thận trọng soi xét từng lớp đất, từng di vật, họ cho rằng đây là phát hiện rất đáng quý và bước đầu nhận định đây là di chỉ cư trú - mộ táng của người tiền sử thuộc hậu kỳ thời đại Đá mới - sơ kỳ Kim khí, cách ngày nay từ 3.000-4.000 năm.

Tác giả bài viết này may mắn được cùng các nhà chuyên môn nghiên cứu bộ sưu tập Đền Thắm đã tìm thấy những bằng chứng về mối liên hệ văn hóa tiền sử giữa cư dân cổ Đền Thắm và cư dân cổ hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí ở di chỉ Bãi Soi (xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới) phân bố gần đấy. Đây là phát hiện quan trọng, góp phần làm phong phú hơn nhận thức về văn hóa thời tiền sử trên vùng núi phía Bắc nước ta.

 

Hiện bộ di vật quý được các cơ quan hữu trách địa phương lưu giữ, bảo tồn. Khu vực có di tích được bảo vệ rất nghiêm ngặt, các nhà khảo cổ sẽ tiến hành đợt khai quật lớn trong thời gian tới, hứa hẹn nhiều bí ẩn lớn được khám phá.

Theo CAND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm