Tin tức - Sự kiện

Phát triển công trình xanh bền vững

Quá trình đô thị hóa nhanh, việc phát triển công trình xanh bền vững đang dần thành xu hướng tất yếu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp BĐS và quốc gia trong việc giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chi phí và chính sách đang là những rào cản lớn đối với các chủ đầu tư muốn xây dựng, vận hành công trình xanh bền vững.

Kinh tế tuần hoàn giúp quản lý phát thải / Vụ bác sĩ nội soi bàng quang nhầm bệnh nhân: Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng nói gì?

Xu thế tất yếu

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea), Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa và phát triển nhanh chóng. Tốc độ đô thị hóa đã tăng lên từ 30,5% năm 2010 tới hơn 42,6% vào năm 2023 và vẫn đang trong xu hướng tăng. Mục tiêu đạt tối thiểu 45% vào năm 2025, trên 50% đến năm 2030.

Chú thích ảnh
Phát triển công trình xanh bền vững.

Còn qua rà soát của Bộ Xây dựng, đến đầu năm 2024, cả nước ta có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Quá trình đô thị hóa tạo thuận lợi phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế... tại các địa phương. Tuy nhiên, song hành là quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị diễn ra không đồng đều giữa các vùng miền, chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị thiếu tính đồng bộ, khiến đô thị hóa diễn ra tự phát...

Thực tế này dẫn đến một số đô thị thiếu hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đô thị bị phá vỡ, phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường gia tăng... và xu hướng các chủ đầu tư, doanh nghiệp BĐS chuyển hướng phát triển công trình xanh đang trở thành tất yếu, để đáp ứng nhu cầu gia tăng của nhà đầu tư về tiêu chí lựa chọn BĐS có không gian xanh bền vững, gần gũi với thiên nhiên.

Song, theo thống kê của Vnrea, đến nay, số lượng dự án, công trình xanh tại Việt Nam đảm bảo tiêu chí hiện nay vẫn khiêm tốn so với nhu cầu, số lượng dự án được xây dựng. Bởi nhiều chủ đầu tư muốn phát triển công trình xanh nhưng chưa có kinh nghiệm hoặc lo ngại chí phí xây dựng tăng cao tới 20 - 30% so với các công trình thông thường. Việt Nam hiện có khoảng 300 công trình xanh, trong khi đó, cách đây hơn 10 năm, Việt Nam chưa có công trình xanh nào.

Các chuyên gia BĐS cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển công trình xanh của Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình xanh bằng các con số, định lượng cụ thể; xây dựng, ban hành các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả... để thu hút doanh nghiệp phát triển công trình xanh; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường.

Giải bài toán chính sách, chi phí xây dựng công trình xanh

 

Theo PGS, TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng), Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh, các kế hoạch hành động để thực hiện chiến lược. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các quyết định về kế hoạch hành động của ngành để thực hiện tiết kiệm năng lượng, hiệu quả khi xây dựng công trình. Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng trong toà nhà. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp BĐS cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng các công trình xanh.

Qua tìm hiểu, mặc dù thực tế, nhiều doanh nghiệp BĐS hiện đã nhận thức được lợi ích của công trình xanh, nhưng chi phí xây dựng là yếu tố quan trọng quyết định việc phát triển công trình xanh, cũng là rào cản lớn đối với các chủ đầu tư muốn xây dựng, vận hành công trình bền vững tại Việt Nam.

Đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS cũng cho rằng, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường. Câu trả lời về chi phí sẽ được làm rõ qua các dự án thực tế, được tính toán so sánh giữa thiết kế thông thường và thiết kế tối ưu hoá về chi phí đầu tư, về chi phí vận hành trong điều kiện chi phí, vật liệu, thiết bị tại Việt Nam.

 

Bộ Xây dựng hiện đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về yêu cầu năng lượng, trong đó quy định chỉ tiêu độ dẫn nhiệt của các vật liệu, nhằm mục đích góp phần vào việc xây dựng tòa nhà có công năng hiệu quả. Tuy nhiên, trên thị trường chưa có nhiều vật liệu xây dựng đáp ứng được những tiêu chuẩn này. Do đó, các chủ đầu tư cần tìm kiếm, sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và có thể tái chế sử dụng.

Theo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có thêm 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này sẽ là 150 công trình. Bởi vậy, thời gian sắp tới, lĩnh vực xây dựng xanh sẽ có những bứt phá mạnh mẽ và có sự chuyển dịch lớn trong ngành Xây dựng.

Theo VNEEP3, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có quỹ tài chính hỗ trợ dành cho các dự án xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm nguồn tài nguyên hoặc các dạng công trình tương tự khác; Nhà nước phối hợp với ngân hàng để cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dạng dự án này.

Mặc khác, các cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng công cụ thuế như là một phương thức hiệu quả nhằm thay đổi hành vi của chủ đầu tư, thúc đẩy đầu tư xanh, bảo đảm tài chính cho quá trình chuyển đổi sang lĩnh vực xây dựng xanh; doanh nghiệp đi đầu trong các dự án chuyển đổi xanh sẽ nhận được hỗ trợ nhiều về tài chính cũng như các cơ hội phát triển khác; đồng thời, xem xét tạo điều kiện ưu tiên ở giai đoạn cấp phép xây dựng các thủ tục pháp lý hỗ trợ về chuyên môn đối với các dự án công trình xanh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm