Tin tức - Sự kiện

Số ca F0 mới liên tục dẫn đầu cả nước, Hà Nội có giải pháp gì?

Trao đổi với phóng viên VTV, đại diện Sở Y tế TP Hà Nội đã lý giải nguyên nhân vì sao số ca mắc COVID-19 mới của TP tăng cao và giải pháp cho tình trạng này.

Ngày 27/12: Thêm 14.872 ca mắc COVID-19 mới tại 59 tỉnh, thành phố / Sáng 27/12: Gần 1,25 triệu ca COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; Thế giới vượt 280 triệu người là F0

Số ca mắc COVID-19 mới ở Hà Nội liên tục cao nhất cả nước

Sau 7 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 (từ 19 - 25/12) cao nhất cả nước. Ngày 27/12, Hà Nội tiếp tục ghi nhận trên 1.900 ca mắc mới. Theo số liệu của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Hà Nội ghi nhận 108 ca tử vong từ đầu mùa dịch, chiếm tỉ lệ 0,3% trên số mắc, thấp hơn nhiều tỉnh thành, trong khi Hà Nội đang ở trong nhóm 10 tỉnh thành có số mắc mới, số đang điều trị, số ca chuyển nặng cao nhất cả nước.

Tổng hợp thông tin từ Bộ Y tế, trong 2 tuần qua (từ ngày 12-25/12), toàn thành phố Hà Nội ghi nhận tổng cộng 17.897 ca mắc mới.

Trong khi ngày 12/12, Hà Nội có tổng cộng 980 ca mắc mới, thì 1 ngày sau đó - lần đầu tiên ca mắc mới trên địa bàn Hà Nội cán mốc 1000 ca/ngày). Chỉ sụt giảm 2 ngày là 16 & 17/12, liên tiếp sau đó Hà Nội thường xuyên ghi nhận trên 1.500 ca/ngày, đến 26/12, thủ đô đã vượt 1.900 ca mắc mới COVID-19.

TP Hà Nội công bố cấp độ dịch toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2, tuy nhiên, số lượng các quận và xã, phường ở cấp độ 3 đã tăng nhiều hơn so với tuần trước.

Số ca F0 mới liên tục dẫn đầu cả nước, Hà Nội có giải pháp gì? - Ảnh 1.

Hà Nội có 12 quận thì 8 quận dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao)

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội nhấn mạnh trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Tình hình dịch trên địa bàn thành phố có những diễn biến phức tạp và số ca mắc mới đặc biệt trong tuần gần đây có xu hướng tăng cao. Diễn biến tình hình dịch bệnh cũng đã nằm trong kịch bản và phương án đáp ứng của thành phố".

Về nguyên nhân của tình trạng hiện nay, ông Cương cho biết, thứ nhất, Hà Nội là một thành phố lớn, dân cư đông, việc mà giao thương, đi lại của người dân từ Hà Nội đi các tỉnh cũng như từ tỉnh về Hà Nội rất phức tạp và nhiều khu công nghiệp. Thứ hai, số lượng người nhập cảnh tại Hà Nội trong thời gian qua cũng tăng. Thứ ba, ngoài việc hệ thống các cơ sở y tế có xét nghiệm phát hiện, người dân cũng có thể tự xét nghiệm bằng test nhanh và thông báo quyền địa phương, y tế cơ sở để xác nhận và quản lý tại địa bàn.

"Vẫn còn tâm lý chủ quan của một số bộ phận người dân, cơ quan khi cho rằng khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine sẽ không mắc bệnh và không lây truyền cho người khác. Hiện nay, Hà Nội vẫn đang thực hiện nghiêm túc chủ trương thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh" - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội nhấn mạnh.

Hà Nội làm gì để hạn chế ca mắc mới, giảm tải cho các cơ sở y tế?

Để hạn chế các ca mắc mới, Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, thị trấn và đặc biệt là ý thức của người dân trong việc thực hiện 5K, không tập trung đông người và hạn chế di chuyển nếu không thực sự cần thiết.

 

Thành phố cũng đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine thực hiện tiêm mũi bổ sung và nhắc lại cho toàn bộ người dân trên địa bàn. Quan tâm tới việc bảo vệ cho người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh hiểm nghèo kể cả trong vấn đề tiêm vaccine hay điều trị. Tiếp tục thực hiện thật tốt công tác điều trị tại các tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Đẩy mạnh quản lý, theo dõi F0 nhẹ, không tại nhà. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân Hà Nội hiện nay đang tiếp tục nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin hỗ trợ người dân tiếp cận với dịch vụ y tế một cách sớm nhất.

Số ca F0 mới liên tục dẫn đầu cả nước, Hà Nội có giải pháp gì? - Ảnh 2.

Hình minh hoạ.

UBND thành phố cũng đã phân cấp cho các quận huyện thị xã căn cứ vào tình hình dịch trên địa bàn kịp thời điều chỉnh các biện pháp hành chính phù hợp theo tinh thần của Nghị quyết 128 và Quyết định 1800 của Bộ Y tế.

Ông Vũ Cao Cương cũng cho biết, để giảm tải cho các cơ sở y tế, thành phố cũng đã có giải pháp huy động nhân lực từ các bệnh viện, bộ ngành trung ương, lực lượng y tế tư nhân và các lực lượng khác như đoàn viên đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên ngành y tình nguyện tham gia tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà để giảm tải cho tuyến cơ sở.

Về quan điểm cho rằng không nên quá để tâm đến số ca F0, mà nên chuyển hướng tập trung vào các ca chuyển nặng, ông Cương khẳng định, Hà Nội vẫn luôn chủ động để kiểm soát tình hình trên quan điểm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và giảm tỷ lệ bệnh nhân trên tầng.

 

Thời gian tới là Tết và các lễ hội xuân sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng số ca mắc. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội nhấn mạnh, người dân cần có ý thức trong việc thực hiện 5K, không tập trung đông người và hạn chế di chuyển nếu không thực sự cần thiết.

Hà Nội có 12 quận thì 8 quận dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao). Trong tổng cộng 18 huyện thị xã thì chỉ còn duy nhất huyện Phúc Thọ dịch ở cấp độ 1. Điều đó cho thấy diễn biến dịch tại Hà Nội phức tạp thế nào.

Mỗi người dân đều mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để trở lại trạng thái bình thường mới. Mong muốn này sẽ không thể thực hiện được nếu chúng ta chủ quan, lơ là.

Bên cạnh vaccine và công nghệ, thì đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên phải được thực hiện thường xuyên, triệt để. Hãy bảo vệ mình và cộng đồng bằng những việc làm đơn giản như vậy!

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm