Tin tức - Sự kiện

Sổ hộ khẩu sắp kết thúc "sứ mệnh lịch sử" sau hơn 70 năm?

Bỏ sổ hộ khẩu giấy để quản lý cư trú bằng mã số định danh cá nhân là chủ trương đúng đắn mang tính cách mạng về quản lý nhà nước, tránh phiền hà cho người dân.

Hoàn cảnh đáng thương của mẹ mù đơn thân Sùng Thị Sông, hàng ngày đi ăn xin để nuôi 3 con nhỏ / NIPPON★GO chính thức phát hành các bài thi thử năng lực tiếng Nhật JLPT

Sổ hộ khẩu hiện là căn cứ để người dân thực hiện các giao dịch, từ cư trú tới công việc, học hành, hưởng thừa kế tới mua bán điện, nước… Đến nay, sổ hộ khẩu đã tồn tại hơn 70 năm và đôi khi được coi như vật bất ly thân với nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, hộ khẩu cũng “đẻ” ra không ít hệ lụy và bất cập cho người dân.

Những phiền phức của sổ hộ khẩu giấy

Cách đây hơn 5 năm, phường Đức Thắng (huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được thành lập từ một phần của xã Đông Ngạc. Từ đó đến nay, nhiều trường hợp trong 2.600 hộ dân trên địa bàn đã mất nhiều thời gian lên phường làm các thủ tục để đính chính lại địa danh ghi trong sổ hộ khẩu nhà mình.

Ảnh minh họa.

"Gia đình tôi đã cư trú ở đây 20 năm thế nhưng hộ khẩu vẫn mang địa chỉ cũ là tập thể trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội. Đến nay, trường này không còn tồn tại mà thành Học viện Tài chính, hộ khẩu từ trường Đại học Tài chính kế toán sang Học viện tài chính, rồi lại thành địa chỉ xã Đông Ngạc nên thủ tục rất phức tạp, cái nọ nó liên quan đến cái kia" - bà Nguyễn Thị Yên, phường Đức Thắng cho biết.

Còn với ông Bùi Công Chính, quyển sổ hộ khẩu là một loại giấy tờ được giữ gìn hết sức cẩn thận vì nếu để thất lạc sẽ kéo theo rất nhiều phiền phức. "Tôi phải để riêng quyển sổ một chỗ để dễ tìm. Có sổ rồi phải photo, tôi photo cả chục quyển nhưng bản photo chỉ có hạn sử dụng 6 tháng nên nhiều bản photo phải bỏ đi" - ông Chính nói.

Bộ Công an đã đề xuất bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy trong dự thảo Luật Cư trú sửa đổi. Khi đó, mọi thông tin liên quan đến nơi cư trú của người dân sẽ được lưu trữ và quản lý qua mã số định danh cá nhân, trong đó có sổ hộ khẩu điện tử.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự cho rằng: "Rõ ràng, ai cũng hiểu được rằng bỏ ổ gạo đi là rất tiện lợi, nó không còn cần thiết nữa. Tương tự như bây giờ, sổ hộ khẩu có lẽ cũng có sứ mệnh lịch sử của nó".

 

Cùng quan điểm với luật sư Hồng Bách, ông Mai Quốc Toản, Công chức Tư pháp - Hộ tịch, phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Nếu bỏ được sổ hộ khẩu giấy sẽ rất thuận tiện cho chúng tôi".

Hoàn thiện Luật Cư trú sửa đổi để sớm bỏ sổ hộ khẩu giấy

Việc quản lý mã số định danh cá nhân thay bằng quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy sẽ mang lại không ít lợi ích cho người dân và nhà quản lý. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này phải đảm bảo việc cấp mã số định danh cho tất cả các công dân, cùng với đó là đảm bảo hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021) để làm cơ sở cho việc quản lý công dân theo phương thức mới.

Ngoài ra, theo rà soát mới đây của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, có khoảng 27 thủ tục hành chính trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Do đó, dự thảo Luật Cư trú sửa đổi cần phải lưu ý tới những nội dung này.

 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để rà soát và sẽ kiến nghị nhanh nhất có thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với các bộ, ban, ngành nghiên cứu rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để đảm bảo khi luật có hiệu lực thi hành thì việc sử dụng mã số định danh của cá nhân, công dân sẽ thuận lợi nhất" - Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp, Bộ Công an nói.

Dự kiến, Luật Cư trú sửa đổi sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 20/5. Thời gian không còn nhiều trước khi nội dung này được thông qua để có hiệu lực vào năm sau. Tuy nhiên, với một chủ trương đúng đắn mang tính cách mạng về quản lý Nhà nước, hy vọng luật sẽ được sửa đổi chỉnh lý cho phù hợp để sớm đi vào cuộc sống.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm