Tin tức - Sự kiện

Thúc đẩy hệ thống giao thông vận tải bền vững với môi trường

Diễn đàn EST 12 sẽ là diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà tài trợ trao đổi, thảo luận thúc đẩy hệ thống giao thông vận tải bền vững với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Đức Việt.

Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Lễ khai mạc Diễn đàn liên chính phủ về phát triển giao thông vận tải bền vững với môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (Diễn đàn EST 12) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong nước và Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung tâm phát triển vùng Liên hợp quốc đồng tổ chức, diễn ra chiều 28/10, tại Hà Nội.

Chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam tăng 36 bậctrong 5 năm

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đã tích cực xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với những cam kết mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Riêng về hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, Việt Nam đã ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt là các công trình trọng điểm, mang tính kết nối đồng bộ đã được hoàn thành, khai thác đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc tổ chức giao thông có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần cải thiện giao thông đô thị, bảo đảm an toàn, giảm ùn tắc. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng mới, phát triển giao thông thông minh.

Theo Phó Thủ tướng, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã đánh giá, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm (năm 2010 ở vị trí thứ 103).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được tập trung đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ. Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải tại các đô thị lớn còn chậm so với nhu cầu phát triển, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông đô thị còn thấp.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Đức Việt.

Trong đó, số lượng phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân liên tục tăng nhanh tại các đô thị, giao thông công cộng phát triển còn chậm, chưa tương xứng, sự kết nối giữa các loại hình giao thông còn chưa hiệu quả.

Việc tổ chức giao thông, quản lý phương tiện vận tải mặc dù đã có nhiều tiến bộ song chưa đáp ứng được yêu cầu, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, gia tăng ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng đời sống của người dân.

“Tuy là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu, nhưng năng lực ứng phó kịp thời, hiệu quả, chủ động với biến đổi khí hậu và thiên tai của Việt Nam còn hạn chế” - Phó Thủ tướng cho hay.

Gợi ý về phát triển giao thông bền vững

Trên cơ sở thực tiễn ở Việt Nam, Phó Thủ tướng đưa ra những gợi ýthảo luận tại diễn đàn, như: Giới thiệu các chính sách, quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng của các thành phố thông minh thông qua các giải pháp giao thông tích hợp và bền vững để cải thiện hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường tại các thành phố. Qua đó gắn kết vai trò của chính quyền địa phương và của cộng đồng trong việc phòng ngừa, hạn chế sự gia tăng nhu cầu tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông tại các thành phố.

Cùng với đó, thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh bằng cách tích hợp mạng lưới quản lý giao thông hiệu quả như: Phát triển giao thông công cộng, thúc đẩy giao thông phi cơ giới kết hợp với tối ưu mạng lưới đường đô thị; ứng dụng công nghệ bãi đậu xe thông minh; quản lý nhu cầu vận tải bằng các giải pháp công nghệ.

Đồng thời, thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) để thu hút nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cùng với đó, đổi mới cơ chế tài chính và cơ hội đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, thông minh, chất lượng và có sức chống chịu với biến đổi khí hậu, nhằm mang lại hiệu quả cho các thành phố và các vùng ven đô.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng thiết kế, phát triển và quản trị thành phố thông minh, bao gồm các bí quyết kỹ thuật cần thiết về quản lý giao thông thông minh, chiếu sáng thông minh, bãi đậu xe thông minh, thu gom chất thải thông minh, cung cấp nước thông minh và giám sát môi trường thông minh.

Theo Đức Việt/Thời báo tài chính Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo