Thủy điện ở thượng nguồn Vu Gia xả lũ, Đà Nẵng lệnh sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước 16h chiều 10/10
Dịch vụ ăn uống, lưu trú ở Đà Nẵng đang dần tăng trưởng trở lại / Đà Nẵng: 72,4% doanh nghiệp công nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh quý IV/2020 sẽ ổn định và tốt lên
Các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia đồng loạt xả lũ
Sáng 10/10, ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) đã có văn bản số 191/PCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Hòa Vang và các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn thông báo về việc Công ty CP Thủy điện A Vương (Quảng Nam) vận hành xả tràn.
Các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia đồng loạt xả lũ từ sáng sớm 10/10
Trước đó, ngày 9/10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng đã có văn bản 190/PCTT thông báo Thủy điện Sông Bung 4A (Quảng Nam) bắt đầu vận hành xả tràn từ 01h30 ngày 10/10 với lưu lượng xả dự kiến 170 – 3.000m3/s (trong đó lưu lượng qua 02 tổ máy phát điện là 170m3/s, lưu lượng điều tiết qua tràn từ 0 – 2.830m3/s).
Đồng thời Thủy điện Sông Bung 4 (Quảng Nam) cũng bắt đầu vận hành xả tràn từ 6h ngày 10/10 với lưu lượng xả dự kiện 50 – 600m3/s. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện nêu trên chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó.
Áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng
Trong khi đó, tiếp tục thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới mới nhất trên Biển Đông, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho biết, hồi 07h ngày 10/10, vị trí tâm ATNĐ vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07h ngày 11/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 5, vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao 2,0-3,5m; biển động mạnh.
Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cũng cho biết, trong 24 giờ qua tại TP Đà Nẵng đã có mưa to, mưa rất to. Lượng mưa từ 07h ngày 09/10 đến 07h ngày 10/10 tại Đà Nẵng từ 240 - 350mm, hồ Hòa Khê 364.8mm, Suối Đá 406mm.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với ATNĐ đang hoạt động trên Biển Đông và trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên trong 24 giờ tới, tại TP Đà Nẵng tiếp tục có mưa to, mưa rất to và dông.
Dự báo tổng lượng mưa từ 07h ngày 10/10 đến 07h ngày 11/10 tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ phổ biến 150-250mm, có nơi trên 250mm; quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn 100-200mm, có nơi trên 200mm; quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu 100-200mm, có nơi trên 200mm; huyện đảo Hoàng Sa 40-60mm, có nơi trên 60mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1. Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cũng cảnh báo, từ ngày 11/10, tình hình mưa lớn tại Đà Nẵng có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
Sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước 16h chiều nay 10/10
Trước những diễn biến này, trong sáng nay 10/10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng đã có Công điện số 08/CĐ-PCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện, sở, ban, ngành về việc ứng phó với ATNĐ trên Biển Đông và mưa lớn diện rộng trên địa bàn TP.
Công điện số 08/CĐ-PCTT nêu rõ, theo thông báo của các chủ hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia (Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương) bắt đầu xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ. Trong khi đó, hiện nay mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đang ở mức cao, 8.61m, dưới báo động 3 (BĐ3): 0.39m.
Do vậy nguy cơ xảy ra ngập lụt khu vực ven sông và hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn, TP Đà Nẵng, đặc biệt là các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam); nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất vùng núi, ngập lụt lớn khu vực ven sông và vùng trũng thấp, đặc biệt là huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ là rất cao.
Trước tình hình này, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện triển khai ngay các phương án phòng chống ATNĐ, lũ, lũ quét, sạt lở đất; triển khai phương án sơ tán nhân dân, lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống ven các sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các khu vực nằm trong phạm vi kênh thoát lũ tổng thể xã Hòa Liên, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi…) đảm bảo hoàn thành trước 16h chiều 10/10.
End of content
Không có tin nào tiếp theo