Tin tức - Sự kiện

Toàn cảnh bức tranh lao động, việc làm quý IV và năm 2020: Hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19

DNVN - Sáng 6/1/2021, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo thông tin về tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020. Bức tranh toàn cảnh về vấn đề này được thể hiện qua nhiều số liệu đáng chú ý.

Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ là trường đại học đầu tiên đào tạo chính quy về quản lý thị trường / Thủ tướng phát lệnh khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động tiếp tục tăng theo đà hồi phục của quý III năm 2020 nhưng vẫn chưa thể trở về trạng thái ban đầu khi chưa có dịch.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2020 là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 860,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Điều này một lần nữa khẳng định xu hướng phục hồi của thị trường lao động sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020.

Đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam gặp nhiều sóng gió.
So với quý III năm 2020, lao động quý IV ở khu vực nông thôn có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn lao động ở khu vực thành thị, trong khi đó tốc độ phục hồi của lao động nam đã đuổi kịp tốc độ hồi phục của lao động nữ. So với quý trước, lực lượng lao động tại khu vực nông thôn tăng 1,4%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với mức tăng của khu vực thành thị; lực lượng lao động nữ và lực lượng lao động nam cùng tăng 1,0%.
"Tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%. Nếu lực lượng lao động năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,6 triệu lao động. Nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người", bà Thủy thông tin.

Đại dịch Covid tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động
Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý IV năm 2020 có 20,9 triệu lao động có việc làm phi chính thức tăng 233 nghìn người so với quý trước và tăng 338,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2020 là 56,2%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2020, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,3 triệu người, tăng 119,1 nghìn người, số lao động có việc làm chính thức là 15,8 triệu người giảm 21,1 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức năm 2020 là 56,2%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019.
"Rõ ràng, đại dịch Covid đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững", bà Thủy nói.
Tổng cục Thống kê cho rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ tước đi cơ hội có việc làm chính thức của nhiều người lao động mà còn khiến họ rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Tuy nhiên tình trạng này đã được cải thiện trong quý IV/2020.
Tính riêng quý IV/2020, cả nước có 902,2 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, cao hơn nhiều so với các quý năm 2019. Tuy nhiên, so với các quý đầu năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi đã giảm mạnh, từ 3,08% trong quý II xuống còn 2,79% trong quý III và đạt 1,89% trong quý IV. Điều này chứng tỏ, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường lao động Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi nhu cầu lao động tăng lên phục vụ yêu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm.
Tính chung năm 2020, số lao động trong độ tuổi thiếu việc làm là gần 1,2 triệu người, tăng 456,7 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%, trong đó khu vực thành thị là 1,68%; khu vực nông thôn là 2,93% (năm 2019 tương ứng là 1,50%; 0,76%; 1,87%).
Về thu nhập bình quân tháng của người lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, so với năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong năm 2020 giảm ở cả 3 khu vực kinh tế.
Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV năm 2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212 nghìn đồng so với quý trước và giảm 108 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thông thường, nếu không có cú sốc Covid-19, thu nhập của người lao động quý IV tăng khá cao so với các quý khác.
Tính chung trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128 nghìn đồng).
Trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128 nghìn đồng).
Đánh giá chung về tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020, bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết, đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam gặp nhiều sóng gió với hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt. Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đều tăng cao trái ngược hẳn với xu thế giảm trong các năm gần đây.
Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng gắng sức của nhân dân, tình hình lao động việc làm trong những tháng cuối năm 2020 đã được cải thiện đáng kể. Kết quả này góp phần vừa thực hiện mục tiêu phòng chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm