TP Hồ Chí Minh: 72.873 F0 xuất viện; 200.000 người đã được tiêm vaccine Vero Cell
TP Hồ Chí Minh đã đạt kết quả bước đầu trong kiềm chế dịch bệnh / Hà Nội dự kiến lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 100% người dân khu vực dịch phức tạp
72.873 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, xuất viện
Ngày 16/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, TP Hồ Chí Minh tiếp tục ưu tiên tối đa công tác phòng chống dịch và đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết. Thành phố đã quyết định kéo dài giãn cách thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca mắc COVID-19 về mức thấp nhất.
Về tình hình dịch bệnh COVID-19, Tính đến 6 giờ ngày 16/8, có 151.904 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó: 151.507 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 397 trường hợp nhập cảnh.
Hiện các cơ sở y tế đang điều trị 33.149 bệnh nhân, trong đó: có 2.122 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.858 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 15/8 có 2.146 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 72.873 bệnh nhân. Có 282 trường hợp tử vong trong ngày.
Về công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, trong ngày 15/8, TP Hồ Chí Minh không phát hiện thêm ổ dịch mới. Hiện có 28 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.
Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất
Về chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, HCDC cho biết, thành phố đang triển khai tiêm chủng vaccine Vero Cell tại các quận huyện. Tốc độ tiêm có ngày đã tiêm được hơn 300.000 liều vaccine/ngày.
TP Hồ Chí Minh đã nhận được 4,4 triệu liều vaccine từ Bộ Y tế và đã tiêm cho người dân. Số lượng vaccine này đã cơ bản sử dụng hết.
Bên cạnh đó, 1 triệu liều vaccine Vero Cell đã được Bộ Y tế kiểm định, bắt đầu triển khai từ 13/8. Tính đến nay đã tiêm được 200.000 mũi loại vaccine này. Thành phố tiếp tục triển khai tiêm phủ vaccine mũi 1.
Về công tác kiểm tra, giám sát, TP Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú. Giám sát, chăm sóc sức khỏe các trường hợp F0, F1 được cách ly tại nhà với sự hỗ trợ của các tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 41.209 người, trong đó có 15.554 trường hợp F0 mới và 25.655 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.569 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.357 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 12.656 người.
HCDC khuyến cáo người dân: Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất; luôn thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K; học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe khi thực hiện cách ly F0, F1 tại nhà.
Khẩn trương triển khai gói an sinh tháng 8-9/2021
Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp khó khăn để nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội trong tháng 8 và 9/2021.
Theo đó, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động; học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tiến hành hỗ trợ tiền nhà trọ; lương thực thực phẩm.
Thường trực Thành ủy yêu cầu các quận-huyện, TP Thủ Đức triển khai nhanh các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị thiếu đói. Gói hỗ trợ gói an sinh xã hội (bằng tiền mặt) lần này được thực hiện tháng 8 và 9/2021. Đồng thời, các địa phương tổ chức để bà con tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Ngày 15/8, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ phát động 'Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19' và ra mắt Trung tâm an sinh TP. Việc thành lập trung tâm nhằm tập trung chia sẻ, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, không để người lao động mất việc làm lâm vào khó khăn cùng cực, trường hợp đặc biệt khó khăn như những người bán vé số, xe ôm, buôn gánh, bán bưng, kiếm sống hằng ngày trên đường phố, những người yếu thế trong xã hội.
Trước đó, từ ngày 5 - 10/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã triển khai gói an sinh xã hội lần 2 hơn 900 tỷ đồng nhằm hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội.
Tiếp tục giãn cách đến 15/9, thêm các nhóm được hoạt động
Ngày 15/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn khẩn số 2718/UBND-VX về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố để phòng, chống COVID-19.
Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16 từ 0 giờ ngày 16/8/2021 đến hết 15/9/2021 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Thành phố tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân. Từ 6h đến 18h hằng ngày, tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của các nhóm đối tượng được phép hoạt động.
Bên cạnh đó, Thành phố cho phép thêm các nhóm đối tượng sau được hoạt động gồm: Các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hủ, bún, hủ tiếu...); Các tổ chức hành nghề công chứng; Các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; Bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng); Phòng bán vé máy bay; Phòng khám tư nhân; Nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, giao nhận thanh toán không tiếp xúc và có các đặc điểm nhận diện; người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm.
Đối với khung giờ từ 18h ngày trước đến 6h ngày sau, Thành phố yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động. Trừ trường hợp được phép như: Đi tiêm vaccine, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông để chuẩn bị công tác hậu cần; Các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép…; Nhân viên của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu; Nhân viên của các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; Dịch vụ vận chuyển bưu chính; Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật.; Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư, giao hàng của các doanh nghiệp logistics phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu, trang thiết bị y tế; Xe ô tô phục vụ hỗ trợ y tế (xe cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân), xe taxi được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động để vận chuyển người dân trong các trường hợp cần thiết; lái xe và nhân viên phục vụ đi cùng trên các phương tiện này; Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của Thành phố.
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 xây dựng sẵn sàng 1 triệu gói cứu tế. Phối hợp với UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, chăm lo cho công nhân, sinh viên, người lao động tự do đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo thực hiện hỗ trợ túi an sinh “đủ về lượng, đủ về chất, phù hợp từng đối tượng”, kinh phí thuê phòng trọ, tổ chức tiêm vaccine để người dân tại các khu vực này yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo