Trưởng Đại diện UNFPA: Việt Nam đạt nhiều thành tựu về trao quyền cho phụ nữ
Cứu sống ngư dân sau 28 giờ trôi dạt trên vùng biển Hoàng Sa / An Giang: Những “bông hồng thép” công an tỉnh thực hiện hiệu quả số hoá hồ sơ chứng minh nhân dân
Theo ông Matt Jackson, Ngày Quốc tế Phụ nữ là dịp để kỷ niệm những thành tựu chung đã đạt được, hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và cũng là dịp để nhìn lại những thiếu sót; nhấn mạnh lại cam kết, nhân đôi nỗ lực chung hướng tới đảm bảo bình đẳng về quyền và lựa chọn cho mọi người ở mọi nơi.
Lấy dẫn chứng về một trường hợp phụ nữ bị chồng bạo hành và được Trung tâm Dịch vụ Một cửa do UNFPA hỗ trợ tại Việt Nam trợ giúp, Trưởng Đại diện UNFPA cho biết, Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay nhấn mạnh “Đầu tư vào phụ nữ: Thúc đẩy tiến bộ”.
Trong những năm gần đây, có nhiều đầu tư nhằm nâng cao sức khỏe và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, qua đó đã cứu sống được hàng triệu người. Tuy nhiên, tiến bộ đạt được vẫn còn hạn chế. Trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ tử vong mẹ trên thế giới đã giảm 34% nhưng cứ 2 phút lại có một phụ nữ tử vong khi mang thai hay khi sinh nở. Cũng trong khoảng thời gian này, tỷ lệ tử vong mẹ của Việt Nam đã giảm nhiều hơn so với thế giới, ở mức 46,5%.
Tuy nhiên, ông Matt Jackson cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực chuyển hướng tới những nơi tỷ lệ tử vong mẹ vẫn còn cao, đặc biệt ở các vùng nông thôn và miền núi nơi có các dân tộc ít người.
Một thành tựu khác trong công tác chăm sóc sức khỏe và trao quyền cho phụ nữ được Trưởng Đại diện UNFPA đề cập trong bài viết đó là số phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đang ngày càng tăng. Trong vòng 30 năm qua, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi và lên đến 77%. Song, vẫn còn hơn 250 triệu phụ nữ không áp dụng kế hoạch hóa gia đình khi muốn tránh thai. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cũng tăng lên, đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, tỷ lệ không đáp ứng được nhu cầu các biện pháp tránh thai giữa phụ nữ chưa lập gia đình vẫn cao gấp bốn lần so với phụ nữ đã lập gia đình. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các bên liên quan.
Một lĩnh vực khác cũng đòi hỏi phải có đầu tư nhiều hơn. Đó là chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại như tảo hôn và tâm lý ưa thích con trai. Theo ông Matt Jackson, trên thế giới cứ 3 phụ nữ lại có một người từng bị bạo lực. Tại Việt Nam, theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thực hiện năm 2019, cứ 3 phụ nữ, có 2 người từng bị chồng hay bạn tình bạo lực và 90% trong số họ chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ. Về lĩnh vực này, hỗ trợ của UNFPA và các đối tác tập trung 3 góc độ: hỗ trợ cung cấp các dịch vụ như thiết lập đường dây nóng quốc gia và trung tâm dịch vụ một cửa; giải quyết nguyên nhân gốc rễ như bất bình đẳng giới nhằm ngăn chặn bạo lực và thay đổi những kỳ thị liên quan đến bạo lực.
Một mối quan tâm đặc biệt nữa đó là mức độ gia tăng bạo lực trên không gian mạng đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là nguy cơ lạm dụng hình ảnh trên không gian mạng.
Ông Matt Jackson cho biết, Chiến dịch #bodyright (quyền cơ thể) toàn cầu của UNFPA tập trung vào lĩnh vực này và kêu gọi các Chính phủ và các công ty công nghệ cần hành động nhiều hơn để bảo vệ mọi người trên không gian mạng. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, UNFPA tại Việt Nam tổ chức Cuộc thi tìm hiểu trên trang xã hội của mình và một hội thảo trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm tự bảo vệ mình trên không gian mạng của thanh niên.
Năm 2024 cũng là năm kỷ niệm thành công của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển được tổ chức tại Cairo năm 1994. Tại Hội nghị này, Chính phủ của 179 quốc gia trong đó có Việt Nam đã đặt vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và quyền con người là trọng tâm của phát triển. Sự thống nhất quốc tế này tạo cơ sở cho việc đạt được thịnh vượng, tăng trưởng và xây dựng những cộng đồng có khả năng ứng phó.
Theo ông Matt Jackson, đạt được bình đẳng giới có tác động tích cực đến mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và rộng hơn là đến nên kinh tế của mỗi quốc gia. Đầu tư 1 USD cho chăm sóc sức khỏe bà mẹ có thể đem lại 8 USD lợi ích kinh tế. Tương tự, đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình thì lợi ích kinh tế còn cao hơn, là 10 USD. Đầu tư tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động có thể tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người lên gần 20% và các doanh nghiệp có thể tăng năng suất lao động lên 15% nếu đầu tư cho chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho công nhân.
Trưởng Đại diện UNFPA cho biết, trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, ông sẽ thúc đẩy hỗ trợ đầu tư cho việc sàng lọc và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, vận động đưa tiêm chủng ngừa virus HPV vào Chương trình tiêm chủng quốc gia - những nỗ lực đơn giản nhưng có thể cứu sống được nhiều phụ nữ khỏi những căn bệnh có thể ngăn chặn được.
Ông Matt Jackson khẳng định, UNFPA tại Việt Nam cam kết sẽ đảm bảo những dự án và chương trình của tổ chức này đều nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người dân; đặt con người là trọng tâm và luôn phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của họ.
Trong bài viết, Trưởng Đại diện UNFPA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phụ nữ làm lãnh đạo và cho rằng đây là một phần quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế xã hội tại Việt Nam.
“Những lập luận về mối quan hệ giữa bình đẳng giới cho mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng với kinh tế là rõ ràng. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một thế giới nơi mà phụ nữ và trẻ em gái được trao quyền để tự đưa ra quyết định. Và trên hết, mọi hành động sẽ giúp đảm bảo nguyên tắc không bỏ lại ai ở phía sau”, Trưởng Đại diện UNFPA Matt Jackson kêu gọi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi