Tin tức - Sự kiện

Vé tàu Tết: Vừa bán đã khan

Ngành đường sắt cung ứng hàng trăm ngàn vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019 nhưng mới sau 3 ngày mở bán, nhiều người đã không mua được vé theo đúng nhu cầu.

Ga Sài Gòn lên lịch phát số thứ tự mua vé tàu Tết / Bán vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019 từ ngày 1/10/2018

Ngồi tại tầng 2 ga Sài Gòn chờ thanh toán 2 vé về ga Diêu Trì (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), anh Võ Thành Duy (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết ngay từ sáng 1-10 (ngày đầu ngành đường sắt mở bán vé tàu Tết đại trà), anh đã mở máy tính để đặt vé qua mạng nhưng chỉ mua được 2 vé, trong khi gia đình cần 4 vé vào ngày 28 tháng chạp để về quê.

"Cháy" vé về miền Trung

Qua khảo sát thực tế, từ ngày 1-10, dù ngành đường sắt vừa mở bán vé tàu Tết nhưng không ít người không mua được vé. Trong đó, các "điểm nóng" từ TP HCM tới một số tỉnh, thành miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế…, vé tàu những ngày cao điểm trước Tết hiện rất khan hiếm. Nhiều người canh "đỏ mắt" trên máy tính để tìm vé nhưng thất vọng vì không đặt được chỗ trên các đoàn tàu về khu vực trên.

Khảo sát trên website bán vé của ngành đường sắt chiều 3-10, chặng đường từ TP HCM về nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung từ ngày 20 đến 26 tháng chạp (tức từ ngày 25 đến 31-1-2019) đều không đặt được vé. Hầu hết chỗ trên các khoang tàu ở những chặng đường này đều hiển thị vé đã bán, chỗ bán cho chặng dài hơn, chỗ nghiệp vụ không bán hoặc chỗ để giải quyết sự cố.

Trong khi đó, một số chặng xa hơn như từ TP HCM về Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, những ngày từ 20 tới 23 tháng chạp vẫn còn nhiều ghế trống; những ngày sau đó tới giáp Tết, hầu hết chỗ cũng đều đã bán hoặc có người đặt. Vì vậy, nhiều người cho biết đang phải cân nhắc mua vé ở những chặng đường này trong thời gian nêu trên, chấp nhận tốn thêm chi phí mua vé bởi chặng ngắn không thể mua. "Tôi đặt giữ chỗ ở chặng dài trước rồi tiếp tục canh trên máy tính, hy vọng có vé trả lại để đặt mua về đúng ga gần nhà" - chị Lê Anh (quê Quảng Ngãi) cho biết.

Vé tàu Tết: Vừa bán đã khan - Ảnh 1.

Ngày đầu mở bán vé tàu Tết, đã có đông hành khách đến mua vé tại ga Sài Gòn. Ảnh: Sỹ Đông

Có vé giữ quá 72 giờ

Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, tính đến 14 giờ ngày 3-10, số lượng vé đã được hành khách đặt thành công trong thời gian 10 ngày trước Tết và 15 ngày sau Tết (từ ngày 25-1 đến 19-2-2019) là 102.162 vé nhưng vẫn còn hơn 40.000 vé chưa thanh toán. Trong đó, phần lớn số chỗ chưa thanh toán được giữ từ ngày 1-10, tính đến chiều 3-10, thời gian giữ đã gần hết. "Lượng vé chưa thanh toán còn nhiều nên có thể trong ngày 4-10, một lượng lớn vé sẽ được trả lại hệ thống để người khác đặt mua" - ông Văn nhận định.

Trong khi đó, trên website bán vé của ngành đường sắt, một số vé đang có thời gian giữ chỗ kéo dài tới ngày 10-10, dù thời gian tối đa cho phép giữ chỗ chỉ 72 giờ. Đơn cử, tàu SE8 từ Sài Gòn đi Hà Nội ngày 31-1-2019 (26 tháng chạp), chiều 3-10, trên nhiều toa tàu một số chỗ hiển thị nội dung đang chờ giao dịch với thời gian còn hơn 7 ngày, trong khi các toa từ 8G đến 11G thì lại hiển thị thời gian chờ chưa tới 20 giờ (do khách đặt vé từ ngày 1-10).

Giải thích vấn đề này, một lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết những chỗ hiển thị thời gian giữ kéo dài như trên đều là những vé thuộc tập thể đã đặt trước. Số vé này có thời gian giữ chỗ kéo dài đến ngày 10-10 và cũng như vé cá nhân, khi hết thời gian giữ sẽ mặc định cập nhật lên hệ thống bán vé để những hành khách khác có nhu cầu đặt mua. Bên cạnh đó, do nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết nên tại các khoang giường nằm mềm khoang 4 giường, tầng 1 sẽ được chuyển đổi thành 3 ghế ngồi mềm. Những chỗ chuyển đổi, trên hệ thống bán vé vẫn hiển thị như một toa tàu với tên gọi như "toa 8G, 9G"… nhưng thực tế số toa vẫn như cũ. Còn tại những toa tàu thực hiện việc chuyển đổi, tầng 1 (đã chuyển đổi) sẽ bị khóa lại và hệ thống chỉ hiển thị số chỗ ở 2 tầng phía trên. Vì vậy, có những chỗ ở 2 tầng này vẫn hiển thị là "chỗ nghiệp vụ không bán", tương tự như ở một số toa không chuyển đổi nhằm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành đường sắt, giải quyết sự cố. Tuy nhiên, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu đi lại ở từng thời điểm để linh hoạt trong việc bán vé ở những chỗ này, cũng như điều chỉnh chặng dài qua chặng ngắn.

Có thể ra ga lấy số thứ tự

Theo ông Đỗ Quang Văn, từ ngày 1 đến 5-10 , mỗi ngày ga Sài Gòn cấp 1.500 số thứ tự qua tin nhắn để hành khách đến ga mua vé trực tiếp. Việc nhắn tin lấy số thứ tự giúp hành khách biết được thời điểm hợp lý để ra ga chờ mua vé. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, hành khách có thể đến trực tiếp ga để lấy số thứ tự, không bắt buộc phải nhắn tin.

Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm