Vì sao việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia rất khó khăn?
DNVN - Tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 đạo luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã giải thích lý do vì sao việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia rất khó khăn.
6 tháng đầu năm 2019: Cục QLTT Hà Nội kiểm tra và xử lý hơn 3.000 vụ / Lịch khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em tại Cà Mau và Lai Châu trong tháng 7
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Luật quy định 13 hành vi bị cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như: nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn...
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chia sẻ, là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Y tế rất phấn khởi khi Quốc hội thông qua đạo luật này vì nó sẽ giúp Bộ Y tế làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại cuộc họp báo
Tuy nhiên, ông Trương Quốc Cường cho rằng việc triển khai "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia" vào cuộc sống là rất khó khăn vì quản lý rượu bia hiện đang rất khó, do thói quen và những tập tục của người dân.
"Trong quá trình xây dựng luật, có đại diện tổ chức nước ngoài còn nói: rượu bia được người dân sử dụng trong những dịp lễ quan trọng, thậm chí khi cúng các cụ, gia đình nào cũng có chén rượu trên bàn thờ, thì chẳng lẽ chúng tôi lại đưa tác hại lên bàn thờ?”, ông Cường nêu.
Theo ông Cường, để đưa luật vào cuộc sống, các chế tài là quan trọng. Đặc biệt là chế tài để bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ, người già; chế tài với người sử dụng rượu bia khi làm việc, lái xe. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan đặc biệt là sự chung tay của báo chí.
Liên quan tới câu hỏi của báo chí rằng "Về quy định đã uống rượu bia thì không lái xe được trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, nhưng trong Luật Giao thông đường bộ lại quy định người tham gia giao thông vi phạm mức nồng độ cồn mới bị xử lý, vậy cần có sự điều chỉnh gì?", Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh đây là biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia. Vì vậy, luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Đồng thời, quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện trong phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia.
Theo đó, để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, tới đây quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Thương mại sẽ được sửa đổi, bổ sung.
Sáng 04/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ bảy. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, chủ trì và điều hành cuộc họp. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Quản lý thuế; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Đầu tư công; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Kiến trúc; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Giáo dục; Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự. |
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo