Việt Nam chế tạo thành công hệ thống tạo oxy và khí nén di động
TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 30 xe cứu thương đặc chủng và 25 xe tiêm vaccine cơ động / Ông Nguyễn Văn Nên được phân công chỉ đạo toàn diện công tác chống dịch ở TP Hồ Chí Minh
Để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19 (đặc biệt là những bệnh nhân nặng), một trong những yếu tố quan trọng chính là đảm bảo được nguồn oxy y tế. Nhằm giúp chủ động nguồn oxy y tế sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nhóm kĩ sư của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã hợp tác cùng với các doanh nghiệp, chế tạo thành công hệ thống tạo oxy và khí nén di động. Không những thế, hệ thống này còn được thiết kế gói gọn trong 1 chiếc container, có thể dễ dàng vận chuyển, nhanh chóng vận hành đáp ứng ngaylập tức nhu cầu oxy y tế trong điều trị cho bệnh nhân.
Hệ thống tạo oxy và khí nén di động (có tên gọi NOVAO2-Mobile System) được các kĩ sư Viện Kỹ thuật Hóa học (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hoàn toàn trong nước với một thời gian rất ngắn (chỉ trong vòng 3 tuần), trước nhu cầu oxy cấp thiết tại các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.
Với mỗi trạm được thiết kế có thể cung cấp oxy cho một khu hồi sức 20 giường bệnh, hoặc từ 40-60 bệnh nhân nặng cần thở oxy. Ưu điểm của hệ thống này là chủ động nguồn oxy cho bệnh nhân, dễ dàng triển khai vận hành cho các bệnh viện dã chiến, hoặc ở vùng sâu, vùng xa.
Nhóm kỹ sư và hệ thống tạo oxy và khí nén di động.
Hệ thống bao gồm các thiết bị lọc thô, lọc tinh, bình chứa khí nén, thiết bị làm giàu oxy và bình chứa oxy. Không khí khi đi qua hệ thống này sẽ được tách Nitơ, oxy được làm giàu đạt tới nồng độ 93% cộng trừ 3% đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về nồng độ oxy sử dụng trong y tế.
PGS.TS Vũ Đình Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện các bệnh viện dã chiến lớn đều dùng oxy được hóa lỏng từ các nhà máy khí công nghiệp. Do hạn chế trong vận chuyển, đóng bình, việc cung cấp oxy không đủ, gây ảnh hưởng tới điều trị bệnh nhân và F0 cách ly tại nhà.
“Trong thiết bị này có 2 cột vật liệu Zeolite. Khi nén không khí vào cột thứ nhất với áp suất cao, khí nitơ sẽ được giữ lại trong mao quản của vật liệu hấp phụ và thu được oxy. Khi cột thứ nhất đã bão hòa nitơ sẽ chuyển sang làm việc với cột thứ hai, khi đó cột thứ nhất sẽ thực hiện quá trình tái sinh để chuyển khí nitơ ra ngoài. Quá trình đó sẽ được lặp đi lặp lại tạo nên chu trình hấp phụ thay đổi áp suất”, PGS.TS Vũ Đình Tiến thông tin thêm.
Ưu điểm nữa của hệ thống này chính là tính hiệu quả và cơ động. Do hệ thống tạo oxy trực tiếp từ khí trời, tích hợp chung với thiết bị tạo khí nén nên khi vận chuyển đến các bệnh viện dã chiến có thể vận hành ngay lập tức. Hệ thống có thể cung cấp nguồn oxy và khí nén cho nhiều máy oxy dòng cao hoặc sử dụng trực tiếp cho hàng chục bệnh nhân đang điều trị trong cùng một lúc. Hệ thống còn được bổ sung tính năng IoT để kết nối, giám sát và điều khiển từ xa để đảm bảo quả trình vận hành thông suốt. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, nếu đưa vào sản xuất hàng loạt với quy mô lớn, mỗi trạm tạo oxy di động có thể được hoàn thiện trong vòng từ 1-2 tuần.
Do hệ thống tạo oxy trực tiếp từ khí trời, tích hợp chung với thiết bị tạo khí nén nên khi vận chuyển đến các bệnh viện dã chiến có thể vận hành ngay lập tức.
Ông Ngô Thanh Sơn, Công ty CP NovaMed Việt Nam - đơn vị phối hợp nghiên cứu cho biết, để sản xuất ra 1 container này trong thời gian nhanh nhất cũng mất 1-2 tuần. Trong trường hợp nhu cầu cần quá nhiều container, nhóm nghiên cứu sẽ chuyển giao toàn bộ mẫu thiết kế, quy trình sản xuất cho các đơn vị về cơ khí trên toàn Việt Nam, để mọi người đều song song tiến hành sẽ có thể sản xuất hàng chục hệ thống container, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong trường hợp khẩn cấp cần nhiều hệ thống.
Hiện 2 trạm hệ thống tạo oxy và khí nén di động đã được hoàn thiện và chuẩn bị để vận chuyển vào Bình Dương và Đồng Nai, phục vụ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng. Đây là sự bổ sung hết sức kịp thời và cần thiết, hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, giảm số ca bệnh có diễn tiến nặng và có nguy cơ tử vong.
Còn xa hơn, khi dịch bệnh được khống chế, hệ thống tạo oxy và khí nén di động còn có thể chuyển tới vùng núi, hải đảo, nơi không thể tiếp cận kịp thời khí oxy từ nhà máy công nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao