Tin tức - Sự kiện

Việt Nam có thêm 1 phòng thí nghiệm Dioxin/furan

(DNVN) - Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ - Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo Nghị định số 127/2014/NĐ-CP của Chính phủ (VIMCERTS 229).

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là đơn vị thứ hai trong cả nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận có đủ năng lực phân tích được 17 cấu tử dioxin/furan trong 9 thành phần môi trường khác nhau.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho biết: Trung tâm được chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực quan trắc môi trường với tổng số 212 thông số, trong đó bao gồm: Nước mặt, nước dưới đất, nước mưa, nước thải nước biển, chất thải, đất, bùn, trầm tích, không khí xung quanh, khí thải.

Đặc biệt, trong các thông số được chứng nhận, thông số về dioxin/furan trong các môi trường là những thông số rất quan trọng.

Phòng phân tích dioxin thứ hai của Việt Nam đi vào hoạt động

Phòng phân tích dioxin thứ hai của Việt Nam đi vào hoạt động

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Tùng, dioxin/furan là hợp chất độc nhất trong các hợp chất hóa học hiện nay. Trong chiến tranh Việt Nam, nó được biết đến dưới tên gọi chất độc màu da cam và để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Nó để lại di chứng trên hàng triệu người dân Việt Nam trong thời gian chiến tranh, đến nay vẫn gây nên những dị tật bẩm sinh trên trẻ em ở nhiều thế hệ sau. Hơn nữa, độc tính của dioxin/furan rất cao nên giới hạn phát hiện của các phép phân tích phải đạt được ở mức độ siêu vết, tức là phải phân tích được đến giá trị nồng độ ppt đối với phân tích tổng dioxin, và cỡ ppq đối với từng dạng đồng phân.

Việc thành lập Phòng thí nghiệm dioxin của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực quan trắc môi trường không chỉ phục vụ nghiên cứu khoa học mà còn góp phần vào việc kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường, từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

Đây là một bước tiến mới, đánh dấu sự nỗ lực, khẳng định vị thế, uy tín và chất lượng dịch vụ khoa học và công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đồng thời tạo ra cơ hội kết nối với các đơn vị, các doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Hoài Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo