Tin tức - Sự kiện

Vùng áp thấp đi vào vùng biển Phú Yên đến Khánh Hòa, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa lớn

Các chuyên gia nhận định, đây là một đợt mưa dài ngày, cường độ lớn, nhiều nơi mưa hàng trăm mm, rất dễ kéo theo sạt lở, ngập lụt.

Đắk Lắk: Bệnh tay chân miệng tăng 48% so với cùng kỳ 2019 / Đà Nẵng: Sẵn sàng sơ tán dân ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê… phòng sạt lở, lũ quét do mưa lớn diện rộng

Mưa lớn bắt đầu vào cao điểm từ đêm 6/10. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trước mắt, mưa lớn sẽ kéo dài đến 11/10. Vùng trọng tâm mưa từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa cả đợt ước tính 500 - 700mm. Lượng mưa trong 5 ngày có điểm vượt 600mm.

Với các dự báo như vậy, có thể thấy, khả năng rất cao miền Trung xảy ra mưa lũ lớn. Bà con trong vùng cảnh báo cần chủ động các biện pháp để đảm bảo an toàn.

Chịu tác động của gió mùa Tây Nam mạnh, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng được cảnh báo mưa dông nhiều nơi. Trong ngày 7/10, vùng mưa to nhất tập trung ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, có nơi trên 100mm. Mưa lớn dồn dập rất dễ gây sạt lở các tuyến đường đèo dốc của Tây Nguyên hay ngập vùng trũng thấp, đô thị ở cả hai khu vực.

Vị trí và đường đi của vùng áp thấp. Ảnh: TT Dự báo KTTV Quốc gia.
Vị trí và đường đi của vùng áp thấp. Ảnh: TT Dự báo KTTV Quốc gia.

Bắc Bộ là vùng duy nhất tạnh ráo trong ngày 7/10. Thời tiết buổi sáng vẫn se lạnh, trưa và chiều, trời chuyển nắng hanh vàng. Nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội và các thành phố từ 29 - 31 độ C.

Ông Phạm Văn Chiến - Phó Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho biết, đợt mưa này có thể kéo dài đến cuối tuần này, tuy nhiên, sau ngày 11/10, dự báo mưa lớn còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài thêm nữa.

Tháng 10 và 11 thường là khoảng thời gian xuất hiện tổ hợp các hình thế gây mưa lớn điển hình của khu vực Trung Trung Bộ. Trong 10 năm trở lại đây, có thể kể đến các năm 2010, 2011, 2017, mưa rất lớn đã gây nhiều thiệt hại cho miền Trung.

Nguyên nhân là do không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, dải hội tụ nhiệt đới có trục ngang qua Trung Bộ. Trong dải hội tụ nhiệt đới này thường hình thành các vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Khi các hình thế trên cùng tác động thì sẽ gây mưa rất lớn cho cả khu vực.

 

Khả năng từ nay đến cuối năm, diễn biến mưa lũ tại khu vực Trung Trung bộ còn rất khó lường. Các hệ thống thời tiết bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh còn có khả năng ảnh hưởng gây ra nhiều đợt mưa lớn cho khu vực, nhất là trong bối cảnh La Nina đã bắt đầu.

Diễn biến vùng áp thấp trên biển Đông

Hồi 1h ngày 7/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,2 - 12,2 độ Vĩ Bắc; 111 - 112 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa khoảng 250km về phía Đông.

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15 - 20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13h ngày 7/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

 

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Vùng nguy hiểm trên Biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): từ vĩ tuyến 11 đến 15 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Rủi ro thiên tai cấp độ 3.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8.

Vùng biển phía Tây của khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2 - 3,5m. Biển động mạnh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Rủi ro thiên tai cấp độ 1.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm