Tin tức - Sự kiện

Vướng mắc về công tác cán bộ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước

DNVN - Báo cáo từ các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) gửi về Ban Kinh tế Trung ương cho thấy có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ tại DN Nhà nước. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của DN Nhà nước.

Nhiều điểm mới trong quy định kiểm soát giá và tiêu chuẩn trang thiết bị y tế / Tích tụ đất đai trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tồn tại bất cập, rủi ro cao

Nhiều vướng mắc
Thông tin này đã được đưa ra tại hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp” sáng 4/12.
Ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Nguyễn Hoàng Anh- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tại DN Nhà nước đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Trong báo cáo và các bài tham luận từ bộ ngành, các tỉnh thành, các chuyên gia, nhà khoa học và DN gửi về Ban Kinh tế Trung ương cho thấy có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ tại DN Nhà nước. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của DN nhà nước.

Ông Nguyễn Thành Phong- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc sự kiện.
TheoPhó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, một số vấn đề nổi bật có thể kể đến là việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị DN chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay. Một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống. Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các DN Nhà nước còn chịu sự điều chỉnh của Điều 11, Quy định 69-QĐ/TW TW của Ban Bí thư ngày 13/2/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong DN nhà nước và DN có vốn nhà nước chi phối.
Liên quan đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt DN, ông Chu Đình Động - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, tính đến tháng 5/2021, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của 33 DN trong Khối gồm 154 đồng chí, trong đó có 31 chủ tịch HĐTV/HĐQT, 91 thành viên HĐTV/HĐQT, 32 tổng giám đốc.
"Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt DN trong Khối có lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; có tư duy đổi mới, chịu khó học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và trau dồi kiến thức thực tiễn về quản lý kinh tế, quản trị DN, thích ứng với cơ chế thị trường; có ý chí vươn lên, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao", ông Động cho hay.
Nhận thức chưa đầy đủ về công tác cán bộ
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, trong thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong Khối chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành. Tầm nhìn và khả năng hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của một số cán bộ còn hạn chế, chậm thích ứng với hội nhập quốc tế. Một số người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý theo quy định.
Ngoài ra, cơ cấu đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở một số doanh nghiệp còn mất cân đối, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đạt thấp. Việc chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo chưa được chuẩn bị kịp thời, đồng bộ.
Theo đánh giá của ông Động, những hạn chế, tồn tại này chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo doanh nghiệp chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Việc cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng về công tác cán bộ vào doanh nghiệp còn chậm, thiếu đồng bộ. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong Khối thiếu tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tự giác học tập lý luận, kỹ năng quản lý tiên tiến.
Thêm vào đó, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra về công tác cán bộ trong doanh nghiệp chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc quyền quản lý của các bộ, ngành chủ quản khác nhau, nên công tác cán bộ doanh nghiệp nhà nước còn khép kín trong từng ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp. Chưa có sự linh hoạt, liên thông với các doanh nghiệp khác trong ngành hoặc doanh nghiệp ngoài ngành.

Theo các đại biểu, công tác cán bộ trong DN Nhà nước còn nhiều vướng mắc.
Cũng đề cập đến thực trạng công tác cán bộ, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhìn nhận, công tác quy hoạch chủ yếu thực hiện theo các chức danh chung, chưa thực hiện tốt việc quy hoạch theo từng lĩnh vực công tác cụ thể, chưa thực hiện tốt nguyên tắc "quy hoạch mở".
Quy trình bổ nhiệm nhân sự còn dài và phức tạp với sự tham gia của nhiều đơn vị của Đảng và Nhà nước; chưa chú trọng nhiều tới việc đánh giá năng lực ứng viên thông qua so sánh trực tiếp về năng lực, trình độ, phẩm chất.
Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp chưa rõ ràng, quyền hạn chưa gắn với trách nhiệm trong quản trị, điều hành doanh nghiệp thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Do đó, chưa phát huy được tính tự chủ, chịu trách nhiệm của người quản lý DN, người đại diện; không đảm bảo tính kịp thời trong xử lý công việc.
Ông Long cũng nhấn mạnh, mức lương đối với quản lý DN còn thấp so với mức tiền lương trên thị trường, chưa tương xứng với tính chất và mức độ rủi ro và giá trị công việc.
Cần thu hút nhân lực giỏi từ bên ngoài
Nghị quyết số 12 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 là "hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt" và thực hiện "tách người quản lý DN ra khỏi chế độ viên chức, công chức".
Khắc phục tình trạng chung: Không thu hút được người có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt từ bên ngoài vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý DN Nhà nước và tình trạng "chảy máu" nhân sự chất lượng cao từ DN Nhà nước sang khối DN tư nhân; Người có năng lực, trình độ đang làm việc trong DN Nhà nước nhưng khó có thể phát huy hết được năng lực của mình; Không có đủ nhân sự chất lương cao để sẵn sàng bổ sung, thay thế cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý hiện tại.
Để đạt được mục tiêu nêu trong Nghị quyết 12, ông Phong kiến nghị tiếp tục tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước đối với DN, chức năng quản trị kinh doanh của DN.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tại DN Nhà nước để phù hợp với khung quản trị DN mới và yêu cầu thu hút nhân lực giỏi từ bên ngoài vào đội ngũ lãnh đạo, quản lý; không áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù về chính trị đối với cán bộ quản lý, lãnh đạo...
Sau hội thảo, các nội dung ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia, các nhà khoa học sẽ được tập hợp và báo cáo Lãnh đạo Ban. Đồng thời, sẽ được Tổ biên tập Đề án tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào năm 2022.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm