Xã hội

Có hộ chiếu vaccine đến Việt Nam vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày

DNVN - PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết, nước ta chưa có quy định về "hộ chiếu vaccine". Do đó, những người từ nước ngoài về Việt Nam vẫn phải cách ly 14 ngày theo quy định.

Đến tháng 4, Việt Nam có thêm 5,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19 / 60 triệu liều Vaccine COVID-19 sẽ có lịch trình cung ứng như thế nào?

“Hộ chiếu vaccine” là khái niệm mới mới dành để chứng nhận các trường hợp đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết, nước ta chưa có quy định về "hộ chiếu vaccine". Do đó, những người từ nước ngoài về Việt Nam vẫn phải cách ly 14 ngày theo quy định.

Ông Trần Đắc Phu khẳng định đến thời điểm này Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cũng như cách ly người nhập cảnh có "hộ chiếu vaccine". Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, thế giới đã có thông lệ chứng nhận đi lại cho người đã tiêm đủ vaccine phòng một số bệnh như tả, hạch, sốt vàng... Tuy nhiên, COVID-19 là loại bệnh mới, các vaccine cũng mới phát triển và triển khai tiêm, hiệu quả thực sự của nhiều loại vaccine còn cần thời gian để kiểm chứng, đánh giá. Theo tính toán để phòng bệnh cho một cộng đồng thì cộng đồng đó phải đạt được miễn dịch khoảng 60- 70% dân số trở lên. Như vậy Việt Nam cần từ 100-150 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Trong khi đó, theo ông Phu, việc tiêm vaccine chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm, dữ liệu về kháng thể chống virus tồn tại trong cơ thể con người (sau tiêm) là bao lâu cũng chưa thật rõ ràng. Một số vaccine mới đánh giá được tác dụng giảm triệu chứng nặng của bệnh, giảm khả năng tử vong, nhưng chưa xác định được chính xác hiệu quả của việc giảm sự lây truyền bệnh ở mức nào hoặc đề phòng sự biến thể của virus không có tác dụng với vaccine vừa được tiêm.

Trước đây, để nghiên cứu một loại vaccine cần mất tới 4-5 năm với nhiều bước thử nghiệm, nhưng vì tính nghiêm trọng của đại dịch Covid 19 nên vaccine chống virus corona là loại vaccine ra đời nhanh nhất trong lịch sử, chưa kiểm nghiệm được toàn bộ tất cảc các loại vaccine với hiệu lực bảo vệ khác nhau; có vaccine chưa biết được giảm lây nhiễm như thế nào, chỉ giảm mức độ nặng của bệnh, giảm triệu chứng, cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu…

Một vấn đề khác, đó là hiện nay vaccine ở Việt Nam mới bắt đầu được tiêm chủng, tỷ lệ vẫn còn thấp chưa được nhiều như các nước khác, nếu xảy ra tình trạng lây nhiễm sẽ có nguy cơ bùng phát cao, vì vậy vẫn cần áp dụng biện pháp 5K để đảm bảo an toàn.

Trước đó, phát biểu tại buổi lễ khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sẽ liên thông với quốc tế, sau này là "hộ chiếu vaccine", quản lý toàn bộ bằng QR code. Theo đó người tiêm ngừa vaccine tại Việt Nam sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng, đồng thời cập nhật thông tin trên hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử. Để quản lý thông suốt, đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.

Chứng nhận điện tử dưới dạng QR code cung cấp thông tin tiêm chủng

Chứng nhận điện tử dưới dạng QR code cung cấp thông tin tiêm chủng.

Nhiều nước áp dụng hộ chiếu vaccine

Hiện nay, một số nước đang cân nhắc áp dụng hộ chiếu vaccine nhưng chưa quốc gia nào công nhận hình thức này như một cách để nhập cảnh. Đan Mạch và Thụy Điển cho biết sẽ phát triển hộ chiếu vaccine để đi du lịch, Estonia đang làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới để đưa ra giải pháp. Vào ngày 1/3, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đã đăng lên Tweeter rằng EU sẽ trình bày đề xuất lập pháp trong tháng này về Thẻ xanh kỹ thuật số có bằng chứng rằng một người đã được tiêm chủng. Bên ngoài EU, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết chính phủ của ông đang xem xét việc sử dụng hình thức này.

Trung Quốc cũng đang ủng hộ hộ chiếu vaccine, cùng với các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan, Síp, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Aruba.

Mỹ vẫn chưa có lập trường rõ ràng về hộ chiếu vaccine. Vào ngày 21/1/2021 trong một biện pháp nhằm kiềm chế đại dịch, Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo nội các của mình đánh giá tính khả thi của việc liên kết tiêm chủng COVID-19 với các Chứng chỉ quốc tế về tiêm chủng hoặc dự phòng hiện tại được Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng. Mỹ đã yêu cầu xét nghiệm COVID âm tính đối với khách du lịch quốc tế.

 

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm