Xã hội

Đà Nẵng: Trường mầm non, tiểu học phải đình chỉ dạy, chuyển đi nơi khác do xây nhà 8 tầng làm nghiêng, lún, nứt nhà dân và trường học

DNVN - Trường Tiểu học Trần Cao Vân phải đóng cửa cơ sở 1 (số 123 Lê Duẩn) từ ngày 14/10, dồn hết học sinh qua các cơ sở còn lại. Trường Mầm non Việt Nhật cũng phải ngưng dạy học tại 231/5 Lê Duẩn, chuyển sang cơ sở đối diện. Tất cả là do việc xây dựng khu nhà 8 tầng ở số 217 – 219 Lê Duẩn gây nghiêng, nún, nứt trường học và các hộ dân xung quanh.

Đà Nẵng: Sẵn sàng sơ tán dân ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê… phòng sạt lở, lũ quét do mưa lớn diện rộng / Đà Nẵng: Các hồ chứa thủy lợi đã đầy nước, sơ tán hơn 2.500 người

Thấy gì về năng lực chủ đầu tư và nhà thầu?

Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, sáng 13/10, UBND phường Tân Chính (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tổ chức cuộc họp với đại diện các các cơ quan chuyên môn của Sở Xây dựng TP; các phòng ban chuyên môn của UBND quận; chủ đầu tư, đơn vị thi công và các trường học, hộ dân liên quan để giải quyết vấn đề thi công khu nhà ở tư nhân tại số 217 – 219 Lê Duẩn làm sụt lún, nghiêng, nứt nhiều công trình lân cận.

Do

Việc xây dựng nhà 217 - 219 Lê Duẩn gây nghiêng, lún nhà 215 Lê Duẩn, khiến cơ sở 1 Trường Tiểu học Trần Cao Vân ở số 213 Lê Duẩn bị "trồi" lên. Từ sáng 14/10, cơ sở giáo dục này đã phải đình chỉ hoạt động.

Theo thông tin từ cuộc họp, công trình đang xây dựng tại số 217 – 219 Lê Duẩn là nhà ở riêng lẻ do bà Trần Thị Tuyết (hiện ở tại Hà Nội) làm chủ đầu tư. Đây là công trình cấp 2, quy mô gồm 8 tầng, 1 tum và 1 tầng hầm. Do vậy theo quy định, sau khi được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tìm nhà thầu đảm bảo năng lực thi công công trình cấp 2 và tư vấn giám sát phải đủ năng lực để giám sát việc thi công công trình cấp 2.

Đại diện Phòng Cấp phép (Sở Xây dựng Đà Nẵng) nêu rõ, nếu nhà thầu và tư vấn giám sát không có đủ năng lực thi công, giám sát công trình cấp 2 theo quy định của Bộ Xây dựng thì không đảm bảo điều kiện thi công công trình 217 – 219 Lê Duẩn. Và nhà thầu được chủ đầu tư Trần Thị Tuyết chọn thi công công trình này là Công ty CP xây dựng Indo Light do ông Hoàng Khánh Nguyên làm Giám đốc.

Tại cuộc họp sáng 13/10 với UBND phường Tân Chính, ông Hoàng Khánh Nguyên khẳng định: “Trong quá trình thi công, chúng tôi thực hiện theo đúng biện pháp thi công đã được duyệt, đúng quy trình kỹ thuật, nhưng do mưa lớn, lượng nước đổ vào tầng hầm vượt ngoài tầm kiểm soát nên dẫn tới xảy ra sự cố!”.

Tuy nhiên cũng chính ông Nguyên thừa nhận: “Nguyên bản nhà cũ có hệ ống thoát nước ra cống chính đường Lê Duẩn. Quá trình thi công bọn tôi không phát hiện được ống cũ của nhà hiện trạng trước đây, nên khi nước ngoài đường Lê Duẩn dâng lên thì theo đường ống đặt ngầm ngày xưa chảy vào công trình, gây ra hiện tượng mực nước đang thấp thì dâng cao lên, nước chảy dẫn tới xói chân móng nhà 215 Lê Duẩn" (là căn nhà 4 tầng hiện đang bị nghiêng, lún nặng nhất-PV)!

Bên cạnh đó, đại diện Phòng Cấp phép (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết: “Nhà thầu có lỗi là khi mưa lớn, nước tràn vô tầng hầm thì lại bơm nước dưới tầng hầm đi, dẫn tới việc trượt cát từ đáy móng của các công trình chung quanh, bởi vì hầm này sâu hơn móng của các công trình lân cận. Việc này nhà thầu phải rút kinh nghiệm, bơm nước ngầm đi khỏi móng sẽ làm trượt và là nguyên nhân chính gây nứt, lún các nhà bên cạnh".

Trong khi năng lực thi công của nhà thầu như vậy thì người ta phát hiện thêm, từ khi thi công đến nay, công trình cấp 2 này hoàn toàn không có tư vấn giám sát. Tên Công ty CP Tư vấn quản lý dự án và xây dựng C.S.O. với tư cách đơn vị tư vấn giám sát công trình là do chủ đầu tư – bà Trần Thị Tuyết (Hà Nội) và nhà thầu - Công ty CP xây dựng Indo Light tự ý ghi vào hồ sơ nộp cho các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại chứ không được sự đồng ý của Công ty này.

Phụ huynh hoang mang, bảo nhà trường coi thường tính mạng hàng trăm học sinh!

Hậu quả lối làm ăn tắc trách, thiếu trung thực của chủ đầu tư và nhà thầu công trình 217 – 219 Lê Duẩn là làm sụt lún, nghiêng, nứt hàng loạt công trình lân cận, gây ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt, làm ngưng trệ việc buôn bán kinh doanh của nhiều hộ. Đặc biệt là làm hư hại cơ sở vật chất của hai trường học là Tiểu học (TH) Trần Cao Vân và Mầm non (MN) Việt Nhật, gây nguy hiểm cho cả ngàn học sinh, giáo viên và làm liên lụy không biết bao nhiêu phụ huynh của các cháu.

Từ sáng 14/10

Từ sáng 14/10, tất cả học sinh của cơ sở 1 Trường Tiểu học Trần Cao Vân đã phải chuyển qua cơ sở khác!

Bà Trần Thị Hương Giang, chủ đầu tư Trường MN Việt Nhật cho biết trường này bị ảnh hưởng đầu tiên, từ khi công trình 217 – 219 Lê Duẩn kè móng thì trường này đã bị nứt tường nhưng bà “không muốn kêu” vì nghĩ chắc cũng đơn giản chứ “không nghĩ nó kinh khủng như thế này”!

Bà Trần Thị Hương Giang nói: “Nhìn nước mênh mông như vậy rất là kinh, tâm trạng rất lo lắng. Nhà dân còn di dời được chứ trường thì di dời đi đâu? 9 lớp học với mấy trăm con người thì ai gánh cho học? 200 con người đó mà bỏ đi thì chúng tôi chết, đâu phải dễ dàng gì mà kêu gọi lại được, không ai dám cho học hết!”.

Thầy Nguyễn Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường TH Trần Cao Vân cũng cho biết, hiện nhà trường đã di dời 4 lớp học và các phòng bộ môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ Thuật ở dãy nhà phía Tây của cơ sở 1 (tiếp giáp nhà 215 Lê Duẩn) sang cơ sở khác. Tuy nhiên dư luận phụ huynh vẫn rất hoang mang!

“Phụ huynh các lớp ở dãy phía Nam và phía Đông cũng lo lắng về việc không an toàn với các học sinh còn lại. Hiện nay số học sinh còn lại ở cơ sở 1 là 500 em. Theo tình hình sáng 13/10 thì có lớp vắng 18/34 em vì phụ huynh không cho đi học, do lo sợ nếu dãy phòng phía Tây bị đổ thì sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới các dãy khác. Đọc các tin nhắn của phụ huynh thì quý vị sẽ thấy rất ghê gớm, họ bảo nhà trường coi thường tính mạng hàng trăm học sinh!” – Thầy Nguyễn Việt Hùng nói.

Cơ sở mầm non, tiểu học phải đình chỉ dạy học, chuyển đi nơi khác

Hiệu trưởng Trường TH Trần Cao Vân đề nghị các cơ quan chức năng kiểm định ngay thực tế và có khuyến cáo với nhà trường là cho tiếp tục hoạt động cơ sở 1 hay đình chỉ, di dời? Nhưng ông cũng bày tỏ nỗi lo lắng khác: “Nếu di dời thì nói thật là chúng tôi không có phòng. 4 lớp đã di dời thì có phòng rồi, nhưng giờ di dời 14 lớp nữa thì không đủ phòng. Không có phòng thì phải học 1 buổi/ngày, như thế sẽ liên quan đến rất nhiều phụ huynh khác và cả toàn trường chứ không đơn giản, vì chắc chắn là nhiều lớp khác sẽ không được học bán trú 2 buổi/ngày!”.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Hồng Nam, Chủ tịch UBND phường Tân Chính cho biết, chiều 13/10 ông đã có Công văn số 121/BC-UBND gửi UBND quận Thanh Khê báo cáo về việc họp giải quyết thi công xây dựng nhà ở tại số 217 – 219 Lê Duẩn làm ảnh hưởng các công trình lân cận. Theo đó, đối với Trường TH Trần Cao Vân, ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND phường Tân Chính đã đề nghị nhà trường di chuyển toàn bộ các lớp học ở khối nhà tiếp giáp với nhà 215 Lê Duẩn bị nghiêng.

Trường MN Việt Nhật

Các cháu Trường MN Việt Nhật ở phía sau cũng phải "dồn toa" chứ không được tiếp tục dạy học ở cơ sở 231/5 Lê Duẩn.

Tuy nhiên qua ý kiến của nhà trường và các cơ quan chuyên môn, để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, UBND phường Tân Chính đề nghị UBND quận Thanh Khê chỉ đạo tạm dừng việc dạy học tại cơ sở 1 (213 Lê Duẩn) và có kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp tại các cơ sở còn lại trong thời gian các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình.

“Qua trao đổi, lãnh đạo quận Thanh Khê cho biết, trên cơ sở đề xuất của địa phương và nhà trường, UBND quận đã chỉ đạo Trường TH Trần Cao Vân tạm ngưng dạy học tại cơ sở 1 (số 123 Lê Duẩn) từ ngày 14/10 và di chuyển toàn bộ giáo viên, học sinh ở đây qua các cơ sở còn lại. Theo đó, các lớp 1 và 2 tiếp tục học bán trú 2 buổi/ngày, còn các lớp 3 – 4 – 5 thì trước mắt phải học 1 buổi/ngày cho đến khi có thông báo mới!” – Ông Lê Hồng Nam cho biết.

Đối với Trường MN Việt Nhật, Chủ tịch UBND phường Tân Chính cho biết, lãnh đạo trường cũng đề nghị và từ ngày 13/10 đã không tiếp tục tổ chức dạy học tại cơ sở số 231/5 Lê Duẩn mà di chuyển sang cơ sở đối diện, tất nhiên cũng sẽ chật chội hơn và ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, học tập, ăn ngủ của các cháu bé!

Ngoài ra, ông Lê Hồng Nam cho biết, qua ý kiến của các cơ quan chức năng và các hộ dân, UBND phường Tân Chính đã yêu cầu đơn vị thi công và chủ đầu tư công trình tại số 217 – 219 Lê Duẩn thực hiện nghiêm nội dung Công văn số 7223/SXD-CCGĐ ngày 12/10/2020 của Sở Xây dựng Đà Nẵng (Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin).

Đồng thời nhanh chóng khảo sát và triển khai các biện pháp chống đỡ tạm thời đối với các công trình lân cận nhằm hạn chế thấp nhất các sự cố xảy ra. Ký kết hợp đồng với Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Đà Nẵng để khảo sát, thẩm định, đánh giá và đưa ra biện pháp khắc phục đốivới các công trình ân cận. Thực hiện việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại đối với từng hộ dân, cơ sở dạy học bị ảnh hưởng và đảm bảo nơi ăn ở cho các hộ dân phải di dời.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm