Xây nhà 8 tầng gây nghiêng gây lún, nứt trường học, nhà dân ở Đà Nẵng: Chủ đầu tư “khai man” đơn vị tư vấn giám sát
Đà Nẵng: Sẵn sàng sơ tán dân ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê… phòng sạt lở, lũ quét do mưa lớn diện rộng / Đà Nẵng: Các hồ chứa thủy lợi đã đầy nước, sơ tán hơn 2.500 người
Trường học cái “trồi” lên, cái lún không đều, nhà dân vừa nghiêng, vừa lún!
Sáng nay 13/10, UBND phường Tân Chính (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã mời các cơ quan chuyên môn của Sở Xây dựng TP; các phòng ban chuyên môn của UBND quận; chủ đầu tư, đơn vị thi công và các trường học, hộ dân liên quan để giải quyết vấn đề thi công khu nhà ở tư nhân tại số 217 – 219 Lê Duẩn làm sụt lún, nghiêng, nứt nhiều công trình lân cận.
Quan trắc, đo đạc độ nghiêng, lún của các công trình lân cận bị ảnh hưởng bởi việc thi công một công trình cấp 2 của tư nhân tại số 217 - 219 Lê Duẩn (Đà Nẵng)
Tại cuộc họp, đại diện Công ty TNHH MTV trắc địa bản đồ Hưng An cho hay, từ trưa Chủ nhật 11/10, đơn vị bắt đầu tiến hành quan trắc các công trình lân cận bị ảnh hưởng bởi việc thi công khu nhà ở riêng lẻ tại số 217 – 219 Lê Duẩn, đến chiều tối qua 12/10 là đúng chu kỳ. Qua đó đưa ra được các số liệu cho thấy Trường Tiểu học Trần Cao Vân đang có hiện tượng “trồi” lên, còn nhà 215 Lê Duẩn liền kề thì đang lún xuống.
“Độ chênh giữa điểm trên và điểm dưới tại thời điểm hiện tại là 36,1cm, tức là so về độ thẳng đứng thì nhà 215 đang bị nghiêng 36,1cm. Hiện nhà 215 vẫn đang tiếp tục lún và nghiêng, nhưng tốc độ nghiêng ít hơn tốc độ lún. Trường Trần Cao Vân đang trồi lên. Trường Mầm non Việt Nhật thì đang lún không đều, độ chênh lệch lún không cao và chưa ngừng lún. Nhà 227 thì tốc độ lún và tốc độ nghiêng ít hơn!” – đại diện đơn vị quan trắc cho biết.
Bà Trần Thị Xuân Tuyết, chủ nhà 227 Lê Duẩn đề nghị các cơ quan chức năng cho biết các biện pháp thi công của nhà thầu có đúng với hồ sơ được Sở Xây dựng Đà Nẵng thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép xây dựng hay không? Qua đo đạc, thẩm định chất lượng các hạng mục công trình thì thấy việc xây dựng tường vây, đóng cọc… có đúng chưa?
Ông Đặng Khánh An, Chi Cục phó Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố tại 217 – 219 Lê Duẩn, Sở đã phối hợp với quận Thanh Khê và các đơn vị liên quan kiểm tra, áp dụng ngay một số biện pháp như tạm dừng thi công; di dời người dân trong khu vực có thể xảy ra nguy hiểm; yêu cầu chủ đầu tư thuê đơn vị quan trắc có năng lực để quan trắc, đo đạc di biến dạng của công trình và báo cáo liên tục để kịp thời xử lý.
“Hôm qua 12/10, Sở Xây dựng cũng đã có văn bản số 7223/SXD-CCGĐ yêu cầu chủ đầu tư thuê đơn vị có năng lực để kiểm định sự cố công trình, xác định nguyên nhân trong quá trình thi công gây ra sự cố các công trình lân cận và trước ngày 20/10 phải đưa ra biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình này. Hoàn thành công tác khắc phục trong tháng 10/2020.
Hiện nay nhìn bằng mắt thường cũng như do mưa nên chưa thể biết dưới đáy móng công trình như thế nào, vì vậy phải có đơn vị kiểm định mới đánh giá được. Khi đơn vị kiểm định vào làm việc, có kết quả, có đánh giá cuối cùng thì mới kết luận được chuyện này, chứ như hiện nay thì chưa biết như thế nào để trả lời cho chính xác!” – ông Đặng Khánh An nói.
Từ khi thi công hoàn toàn không có tư vấn giám sát!
Tại cuộc họp sáng 13/10, ông Hoàng Khánh Nguyên cho biết, Công ty CP xây dựng Indo Light bắt đầu thi công đào móng tại công trình 217 – 219 Lê Duẩn từ ngày 24/9, trước đó đã có một đơn vị khác thi công gói thầu tường vây xung quanh. Ông khẳng định: “Trong quá trình thi công, chúng tôi thực hiện theo đúng biện pháp thi công đã được duyệt, đúng quy trình kỹ thuật nhưng do mưa lớn, lượng nước đổ vào tầng hầm vượt ngoài tầm kiểm soát nên dẫn tới xảy ra sự cố!”.
Đại diện Phòng Cấp phép (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cũng cho biết, trong quá trình cấp phép xây dựng công trình này, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã thẩm định, đánh giá năng lực của đơn vị thiết kế, đơn vị thẩm tra đảm bảo điều kiện để thẩm định, thẩm tra thiết kế công trình cấp 2.
Sau khi được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tìm nhà thầu đảm bảo năng lực thi công công trình cấp 2 và đơn vị tư vấn giám sát phải đủ năng lực để giám sát việc thi công công trình cấp 2. Chủ đầu tư và nhà thầu cũng đã có cam kết đảm bảo an toàn cho việc triển khai thi công công trình này cũng như đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Xuân Tuyết, chủ nhà 227 Lê Duẩn, bất ngờ đặt câu hỏi: “Đây là một công trình lớn mà sao không thấy có đơn vị tư vấn giám sát?”. Đại diện Phòng Cấp phép (Sở Xây dựng Đà Nẵng) nêu rõ, về nguyên tắc, nếu nhà thầu và tư vấn giám sát không có đủ năng lực thi công, giám sát công trình cấp 2 theo quy định của Bộ Xây dựng thì không đảm bảo điều kiện thi công công trình này!
Trước ý kiến này, ông Lê Hồng Nam, Chủ tịch UBND phường Tân Chính hỏi có đại diện của Công ty CP Tư vấn quản lý dự án và xây dựng C.S.O. đến dự họp không? Hỏi mấy lần, vẫn không thấy ai lên tiếng trong khi theo hồ sơ của chủ đầu tư và nhà thầu công trình 217 – 219 Lê Duẩn thì Công ty C.S.O. là đơn vị tư vấn giám sát cho công trình cấp 2 này, và UBND phường Tân Chính đã căn cứ theo đó để gửi giấy mời dự họp.
Khi không có ai nhận là đại diện C.SO, một lúc lâu sau, phía nhà thầu, ông Hoàng Khánh Nguyên, Giám đốc Công ty CP xây dựng Indo Light mới đứng dậy trả lời: “Hiện nay tư vấn giám sát không có ở đây. Bên em đàm phán rồi nhưng các điều khoản chưa thống nhất nên bên tư vấn giám sát chưa tham gia!”.
“Vậy là công trình này không có tư vấn giám sát, trong khi đây là khâu quan trọng nhất, nhất là với một công trình cấp 2!” – bà Trần Thị Tuyết kêu lên. Nhiều người dự cuộc họp yêu cầu ghi rõ vào biên bản là công trình tư nhân ở số 217 – 219 Lê Duẩn không có tư vấn giám sát mà suốt từ đầu đến giờ họ tự làm và tự… giám sát luôn.
Cũng có nghĩa, chủ đầu tư – bà Trần Thị Tuyết (Hà Nội) và nhà thầu - Công ty CP xây dựng Indo Light đã tự ý ghi tên Công ty CP Tư vấn quản lý dự án và xây dựng C.S.O. vào hồ sơ nộp cho các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi công trình thi công, trong khi chưa có sự thỏa thuận với đơn vị tư vấn này.
Khả năng ngã, đổ, sập chưa thể biết trước được!
Đặc biệt, tại cuộc họp, Chi cục phó Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) Đặng Khánh An khuyến cáo, hiện nay nhìn bằng mắt thì thấy đơn vị thi công nhà 217 – 219 Lê Duẩn giằng chống nhằm hạn chế tiếp tục lún nứt, nghiêng đổ… cho nhà 215 Lê Duẩn cơ bản là tạm ổn. Tuy nhiên việc có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào thì không thể biết trước được. Khả năng ngã, đổ, sập chưa thể biết trước được.
Vì vậy ông kiến nghị UBND phường Tân Chính phối hợp với quận Thanh Khê có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và học sinh. Đồng thời chính quyền quận – phường cũng cần có phương án nếu khi có sự cố xảy ra. Cụ thể là đặt vấn đề nhà 215 Lê Duẩn sập xuống, thì phương án ứng cứu như thế nào?
Theo ông Lê Hồng Nam, Chủ tịch UBND phường Tân Chính, đối với việc thi công không đảm bảo an toàn, để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng lún nứt các công trình lân cận, UBND phường Tân Chính đã ập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ thi công Nhà ở riêng lẻ 217 – 219 Lê Duẩn, đề nghị UBND quận Thanh Khê chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu xử lý hành chính đối với chủ đầu tư và đơn vị thi công theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi cũng đề nghị UBND quận Thanh Khê chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn quận hỗ trợ UBND phường Tân Chính xây dựng phương án xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra đối với các công trình tiếp giáp công trình đang thi công xây dựng!” – ông Lê Hồng Nam nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh