Đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động phát triển kỹ năng nghề
Nâng tầm kỹ năng người lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp / 50 năm phát triển Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội
90% lao động thất nghiệp sauđào tạocó việc làm
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến tháng 3/2021, số lao động được hỗ trợ học nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 160 nghìn người. Tuy nhiên, số lao động được hỗ trợ học nghề so với số người có nộp hồ sơ hưởng và số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp còn thấp, chỉ dưới 5%, cho thấy số tiền chi trả hỗ trợ học nghề cho người lao động hằng năm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn rất nhỏ nếu so với kết dư của Quỹ.
Qua đánh giá, hoạt động đào tạo người lao động thất nghiệp đạt hiệu quả cao, trên 90% người lao động thất nghiệp sau đào tạo có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo. Thời gian qua, việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong đó có chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động về đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã đem lại một số kết quả đáng ghi nhận.
Điều đó cho thấy tính chất hữu dụng, hiệu quả của chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động về đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay, kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 90 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, việc đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động tham gia phát triển kỹ năng nghề từ Quỹ này được xem là phù hợp, khả thi. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ đối tượng người lao động thất nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mới được hưởng hỗ trợ khi tham gia học nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp. Để người lao động khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tăng cơ hội được hỗ trợ từ Quỹ cần sự điều chỉnh phù hợp về chính sách hỗ trợ của Quỹ đối với người lao động.
Điều 56 của Luật Việc làm 2013 đã quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động thất nghiệp học nghề để bổ sung, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người thất nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp, nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.
Kinh nghiệm quốc tế
Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi thực tiễn thành công từ kinh nghiệm của Singapore về chính sách tín dụng và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia phát triển kỹ năng nghề của Chính phủ Singapore qua chương trình kỹ năng tương lai.
Theo đó, mỗi người dân Singapore từ 11 tuổi trở lên được mở tài khoản tín dụng vô thời hạn có giá 500 đô la Singapore để tham gia đào tạo và phát triển kỹ năng nghề. Để tăng cường sở hữu cá nhân đối với sự phát triển kỹ năng và học tập suốt đời, mỗi công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên được mở tài khoản tín dụng kỹ năng tương lai trị giá 500 đô la Singapore, có hiệu lực trọn đời.
Hai chương trình bổ sung khác được cũng được chính phủ Singapore giới thiệu vào năm 2020, có hiệu lực trong 5 năm tới nhằm khuyến khích các hành động kịp thời, cụ thể: cấp một lần 500 đô la Singapore cho tất cả công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên vào ngày 31/12/2020, và thêm một lần cấp bố sung 500 đô la Singapore cho tất cả công dân Singapore từ 40 đến 60 tuổi vào ngày 31/12/2020 để sử dụng cho các chương trình đào tạo hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Để khuyến khích cho học sinh, sinh viên vừa học gắn với việc làm lựa chọn giải pháp mới gắn với phát triển kỹ năng nghề thay cho giáo dục truyền thống, mỗi học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ giáo dục nghề nghiệp được cấp 5.000 đô la Singapore cho cá nhân và lên đến 15.000 đô la Singapore cho người sử dụng lao động nhằm bù đắp chi phí phát triển các lộ trình đào tạo có cấu trúc và phát triển nghề nghiệp.
Riêng lĩnh vực ưu tiên cho đối tượng vừa học vừa làm về Tiếp thị Kỹ thuật số, Kỹ thuật 4.0, Dịch vụ Khách hàng là lĩnh vực có nhu cầu lao động cao được trợ cấp đào tạo giới hạn ở mức 500 đô la Singapore mỗi tháng và các nhà tuyển dụng tham gia nhận được khoản trợ cấp cố vấn trị giá 5.000 đô la Singapore.
End of content
Không có tin nào tiếp theo