Xã hội

Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển và quản trị xã hội

DNVN - Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng: Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đầu tư dành cho hệ thống dịch vụ xã hội, cơ sở hạ tầng phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ dân sinh... chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội / Huy động 2.000 tỷ trái phiếu do Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành

Phát biểu tham luận tại Hội thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 ngày 16/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Xây dựng hệ thống các chính sách xã hội toàn diện bao trùm, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội quan tâm.

Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.

TP Hà Nội hiện có 5,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động luôn được quan tâm đẩy mạnh thông qua việc triển khai có hiệu quả hệ thống 8 điểm và 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện.


Cơ sở hạ tầng cho công nhân tại các khu công nghiệp tại Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu.

Thành phố đã trích ngân sách trên 5,6 tỷ đồng ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội để người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng với số người tham gia tăng nhanh qua các năm và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,5% dân số; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 40% và tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm đạt 37,5% tổng số người trong độ tuổi lao động.

Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Hà Nội ban hành chuẩn nghèo riêng cao 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia, đồng thời, ban hành một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù. Tính đến cuối năm 2021, TP cơ bản không còn hộ nghèo (tỷ lệ 0,04%).

Đáng chú ý, trong 2 năm dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đã tập trung các nguồn lực, triển khai các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Tổng nguồn lực ngân sách dành cho việc thực hiện các chính sách đặc thù của TP Hà Nội trong năm 2021 trên 10.640 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gần 6.530 tỷ đồng.

HĐND TP Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của các hộ gia đình.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến tốc độ đô thị hóa, chênh lệch mức sống và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đầu tư dành cho hệ thống dịch vụ xã hội.

“Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đầu tư dành cho hệ thống dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế; cơ sở hạ tầng phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chợ dân sinh...) còn chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Dũng nói.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, góp phần xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm