Xã hội

Khát vọng vạn xuân

DNVN - Đại dịch vẫn lây lan với tốc độ cao, nhưng chúng ta không thúc thủ, bị động nữa. Chúng ta đã chủ động làm chủ trong phòng, chống dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Câu hát Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào... một lần nữa mang lại tinh thần lạc quan để “Sự sống không bao giờ chán nản” (Xuân Diệu).

Hà Nội: Tết Nguyên đán 2022, lượng khách tại các bến xe sẽ tăng 300% / Tết xa nhà của người lính biên phòng nơi mảnh đất cực Nam Tổ quốc

Mọi khó khăn cũng không cản được khát vọng

Lịch sử đất nước ta, không chỉ là lịch sử hào hùng của những cuộc chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm. Lịch sử nước ta là lịch sử của những khát vọng lớn và nỗ lực của con người để thực hiện khát vọng đó.

Truyền thuyết 50 người con lên rừng, 50 người con xuống bể, không chỉ tạo nên tình yêu thương đồng bào, nhắc nhớ cộng đồng phải thương yêu nhau như con cùng một mẹ - mẹ Việt Nam mà còn thể hiện khát vọng mở mang, phát triển, chinh phục thiên nhiên.

Năm 544, Lý Bí (Bôn) đánh đuổi Tiêu Tư và quân xâm lược nhà Lương (Trung Quốc), xây dựng kinh đô bên bờ sông Tô Lịch, lập nước Vạn Xuân, xưng là Lý Nam Đế.

Lý Bôn còn đặt tên nước là Vạn Xuân, đế hiệu là Thiên Đức (Đức trời). Đó không chỉ là ý chí độc lập, mà còn là khát vọng xây dựng một nền chính trị hợp với đạo trời, xây dựng một đất nước tươi đẹp, phồn thịnh vạn xuân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khát vọng xây dựng một đất nước mà nhân dân làm chủ, nước độc lập, dân tự do, hạnh phúc. Người thể hiện khát vọng của cả dân tộc xây dựng một đất nước giàu nhưng phải đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Từ xuân này, từng ngày đang tiến đến năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từng ngày, cả nước đang hiện thực hóa khát vọng mà NQ Đại hội Đảng XIII và Cương lĩnh phát triển đất nước đề ra: Đưa nước ta thành một “nước phát triển”, sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới; nhân dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Để khát vọng lớn thành hiện thực

Nhìn vào lịch sử, như cụ Nguyễn Du nói “đã tin điều trước, ắt nhằm điều sau” thì chúng ta là nước nhỏ mà đánh thắng ba đế quốc to, đánh thắng chế độ diệt chủng và chủ nghĩa bành trướng. Chúng ta đã thoát được bao vây, cấm vận, Đổi mới thành công... Nhiều hiện thực tươi đẹp trên đất nước hôm nay mà ba, bốn mươi năm trước chưa từng thoáng hiện, dù cả trong giấc mơ- là xây dựng nước ta thành một nước phát triển đã ở trong tầm tay.

Để khát vọng lớn ấy trở thành hiện thực cần củng cố chính trị, dùng khoa học, giáo dục làm then chốt mở cửa phát triển. Giáo dục để xây dựng con người, tích lũy tri thức. Khoa học để tìm ra chân lý. Phát minh tạo ra bước phát triển khổng lồ. Chính trị dẫn dắt các ngành, trong đó có khoa học. Chân lý chỉ có một, do đó có khoa học phát triển đúng đắn có tính hướng dẫn chính trị và toàn xã hội. Khoa học còn vun đắp cho con người đức tính trung thực và dũng cảm. Mà chỉ khi trung thực và dũng cảm, con người mới trở thành những nhà kiến tạo, những anh hùng, làm cho xã hội phát triển.

1

Mùa xuân này cũng là mùa xuân hành động.

Lịch sử nhân loại cũng chỉ ra rằng, sự phát triển bao giờ cũng gắn với phát minh khoa học vĩ đại. Một đất nước khôn ngoan là đất nước biết tôn trọng, sử dụng đội ngũ trí thức, khai thác tiềm năng con người. Cha ông ta đã từng có tổng kết rất vĩ đại: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Trước Các Mác, cha ông ta qua những thông điệp của văn học dân gian, đã biết dặn dò con cháu: thực tiễn, và chỉ có thực tiễn mới là thước đo chân lý chính xác nhất.

Vậy, sao nước ta lại chậm tiến hơn một số nước?

Đó là do đội ngũ trí thức, đội ngũ làm công tác khoa học vừa ít, vừa yếu; sự đầu tư cho khoa học chưa đủ tưới mát một cái cây, làm sao có một vườn cây xanh tốt. Chính Báo cáo Chính trị tại ĐH Đảng lần thứ XIII của Đảng cũng thừa nhận: “Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao, năng lực sáng tạo của các nhà khoa học chưa được phát huy. Chưa có chính sách hợp lý về vay vốn, thuế, hỗ trợ phát triển, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ”.

Đã thấy được yếu kém thì phải sửa, phải làm.

 

Mùa xuân này, cũng là mùa xuân hành động. Đừng để câu: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thành một tập tính, cản bước tiến bộ.

Mùa xuân này, phải là sự khởi đầu của những đột phá. Trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có như vậy mới khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Nguyễn Sĩ Đại
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm