Khó khăn trong phát triển bền vững của các tỉnh Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ
Bắc Trung bộ vẫn là tiểu vùng kém phát triển dù có nhiều tiềm năng to lớn / Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ phát triển dưới mức trung bình cả nước
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã đề ra các mục tiêu đến năm 2030, hệ thống đô thị ven biển của vùng đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Mục tiêu đến năm 2045 có hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để triển khai để triển khai thực hiện thành công các chủ trương, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Phát biểu tại hội thảo "Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung” ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, thế mạnh của vùng là luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, một số địa phương đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa nhằm thúc đẩy sự phát triển các tỉnh, trong đó các đô thị là động lực của sự phát triển. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương tập trung xây dựng những giải pháp cụ thể và huy động nguồn lực thực hiện.
Cùng với đó, hệ thống các đô thị trung tâm và hạt nhân cấp Vùng được liên kết thuận lợi với nhau và liên kết với cả các đô thị khác trong nước và quốc tế thông qua hệ thống hạ tầng giao thông.
Đây cũng là vùng có nhiều đô thị được thiên nhiên ưu đãi về du lịch khi có đường bờ biển với nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, hoang sơ, hấp dẫn (Khánh Hòa, Phan Thiết...) cùng các giá trị văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc khác nhau; tạo tiền đề để phát triển hình thành các đô thị du lịch ven biển; phát triển ngành du lịch, kinh doanh bất động sản, các khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp ven biển.
Tuy nhiên, theo ông Văn, 12/14 tỉnh trong vùng với 37 đô thị ven biển được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trọng tâm là nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững.
“Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có địa hình bị phân chia rõ rệt khu vực ven biển ở bờ Đông và khu vực miền núi, dốc ở bờ Tây, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị”, ông Văn nói.
Để phát triển đô thị vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Bộ Xây dựng đề xuất các địa phương cần tiếp tục quán triệt, tập trung triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vùng, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong quy hoạch và phát triển đô thị theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ.
Trong đó, chú trọng các giải pháp đối với các đô thị là hạt nhân và trung tâm cấp vùng. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tập trung xây dựng các chương trình phát triển đô thị để tích hợp nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
“Tập trung đẩy mạnh việc kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung – Nam nói chung; hỗ trợ liên kết phát triển trục đô thị Đông - Tây. Các đô thị lớn (có hạ tầng hiện đại như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vinh...) cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng để nâng cao hơn nữa khả năng kết nối, trong vùng cũng như trên cả nước”, ông Văn nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo