Khoảng nửa triệu người chuyển đổi giới tính gặp khó về nhân thân và tài sản
Mỹ nhân chuyển giới Vbiz thử sức với mái ngố: Hương Giang sang chảnh, Lâm Khánh Chi hack tuổi / Ca sĩ chuyển giới Cát Tuyền: Ở Mỹ, tôi có hơn chục căn nhà cho thuê, đi hát lương 2.500 đô
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về “Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề nhân thân và tài sản của người chuyển đổi giới tính”, sáng 20/9, Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội Khóa XV cho biết, nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0,3% đến 0,5% dân số. Ở Việt Nam, nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0,3% thì ước đoán có khoảng gần 300.000 người chuyển giới (tính đến ngày 25/11/2021, dân số Việt Nam là 98.485.682 người). Nếu lấy con số trung bình là 0,5% dân số thì Việt Nam có khoảng 500.000 người chuyển giới.
Thuật ngữ “chuyển đổi giới tính” lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam là Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 37), trong đó quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Tuy nhiên, theo ông Trí, do chưa có văn bản quy định cụ thể về việc chuyển đổi giới tính nên cơ quan, tổ chức có liên quan và cá nhân có nhu cầu chuyển đổi giới tính, nhu cầu công nhận việc chuyển đổi giới tính còn gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về người chuyển giới. Chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến khó khăn khi thu thập số liệu tại Việt Nam về người chuyển giới, người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Những người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính gặp khó khăn do không trùng khớp giữa các giấy tờ nhân thân và giới tính hiện có. Cơ quan quản lý Nhà nước không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc thay đổi các giấy tờ hộ tịch, căn cước công dân cho người đã chuyển đổi giới tính.
Bên cạnh đó, hiện không có quy định pháp lý về cơ sở y tế được phép can thiệp để chuyển đổi giới tính, quy trình can thiệp y học, phác đồ điều trị, thuốc… để thực hiện thay đổi cơ thể theo bản dạng giới của công dân. Điều này dẫn tới hệ quả họ phải sử dụng các cơ sở y tế bất hợp pháp hoặc thực hiện ở nước ngoài hoặc sử dụng các loại thuốc/hoóc-môn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá cả và chất lượng không thể kiểm chứng để thực hiện nhu cầu chuyển đổi giới tính. Người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người chuyển đổi giới tính cũng gặp khó.
“Có khoảng nửa triệu người chuyển đổi giới tính còn gặp những khó khăn về khía cạnh nhân thân, tài sản. Thực tế nói trên đặt ra yêu cầu cần làm rõ điều kiện để cá nhân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Đồng thời là yêu cầu về xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước đây cũng như thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính”, ông Trí nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, Việt Nam tập trung xây dựng, ban hành thể chế bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, công dân trên nhiều lĩnh vực và dành những kết quả to lớn. Tuy nhiên, quá trình phát triển các quan hệ xã hội đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong đó có thực tế cá nhân chuyển đổi giới tính, nhu cầu được công nhận về việc chuyển đổi giới tính.
Cùng với đó là nhu cầu giải quyết các vấn đề về nhân thân, tài sản khi cá nhân đã chuyển đổi giới tính như: vấn đề thay đổi thông tin hộ tịch, thông tin trên giấy tờ tùy thân, giấy tờ về chứng nhận quyền sở hữu tài sản; quan hệ hôn nhân gia đình; về lao động, việc làm, nghỉ hưu; về hưởng các chế độ và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước, xã hội.
“Để giải quyết các vấn đề nêu trên, việc tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật quốc tế là hết sức cần thiết. Kết hợp với việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; nghiên cứu đặc thù văn hóa, xã hội và điều kiện kinh tế của Việt Nam để thể lựa chọn cách thức tiếp cận phù hợp.
Qua đó, đưa ra giải pháp tối ưu để xây dựng quy định đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người chuyển đổi giới tính và cũng bảo đảm hài hòa với bối cảnh chung”, bà Thanh đề xuất.
Ông Watanabe Yoshitaka - chuyên gia dự án của Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) chia sẻ kinh nghiệm, tại Nhật Bản, dựa trên Luật Biện pháp đặc biệt, cho đến nay đã có hơn 11,000 người mắc chứng rối loại bản dạng giới đã thực hiện việc chuyển đổi giới tính về mặt pháp luật. Giới tính là một yếu tố quan trọng đối với bản sắc và sự tôn nghiêm của mỗi cá nhân, nhưng mặt khác, hệ thống gia đình phải phù hợp với giá trị quan của toàn thể nhân dân và phải được đảm bảo tính ổn định.
“Điều quan trọng là quốc gia cần bắt tay vào thảo luận về vấn đề chuyển đổi giới tính một cách đầy đủ và xây dựng được một chế độ phù hợp với nước mình”, ông Watanabe Yoshitaka nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo