Xã hội

Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số

DNVN - Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam” (AWEEV) đã và đang hỗ trợ phát triển sinh kế cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang.

Những đặc sản ngon xuất sắc ở Hà Giang / Những mái nhà cọ phủ đầy rêu của người Dao ở Xà Phìn (Vị Xuyên, Hà Giang)

Trực tiếp góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, “Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam” (AWEEV) là một dự án hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ.

Dự án do chính phủ Canada hỗ trợ thông qua Tổ chức CARE tại Việt Nam, nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Cụ thể là tại 9 xã thuộc hai huyện Tam Đường, Quang Bình của tỉnh Lai Châu và Hà Giang.

Dự án đã và đang hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm gánh nặng công việc chăm sóc, nâng cao khả năng ra quyết định của phụ nữ trong gia đình. Đồng thời, giúp phụ nữ thúc đẩy tiếp cận dịch vụ tài chính và nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Từ ngày 15-17/4, đi cùng đoàn công tác của Tổ chức CARE tại Việt Nam đến với các xã Tiên Nguyên, Yên Thành, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những kết quả ban đầu rất tích cực mà AWEEV đã đạt được. Nhất là niềm vui của những người phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây đang được dự án hỗ trợ để vượt khó và từng bước khẳng định được giá trị của bản thân.

Một điểm trường thuộc Trường mầm non Xuân Hoà, xã Tiên Nguyên đượcAWEEV tài trợ hoạt động bán trú.

Dừng chân ở một điểm trường thuộc Trường mầm non Xuân Hoà, xã Tiên Nguyên – ngôi trường có 11 điểm trường, trong đó có 3 điểm trường được AWEEV tài trợ cho việc bán trú - đoàn công tác ấn tượng với hình thức bán trú độc đáo. Tại các điểm trường do dự án tài trợ, trường không có cấp dưỡng mà người nấu bếp chính là các vị phụ huynh. Phụ huynh sẽ cắt cử nhau đi chợ, nấu ăn cho các con.

Hình thức này giúp cho phụ huynh, đặc biệt là chị em phụ nữ không phải mất thời gian 4 lần đưa đón con (họ đưa con đến và ngồi chờ cho hết 2 buổi học để đưa con về, một ngày không thể làm việc gì ngoài việc đưa con đi học).

Bà Bùi Hồng Hạnh – Hiệu trưởng mầm non Xuân Hoà cho biết, dự án của Tổ chức CARE đã tài trợ cho nhà trường dụng cụ nấu ăn, tủ lưu mẫu thực phẩm, chăn đệm ngủ để nhà trường thực hiện mô hình bán trú. Phụ huynh đổi công cắt cử nấu ăn cho các con nên có thời gian làm việc, phát triển kinh tế nhiều hơn.

“Nhà trường mong được dự án của Tổ chức CARE tại Việt Nam tiếp tục tài trợ để mô hình bán trú được mở rộng tại nhiều điểm trường trong toàn xã. Điều này không chỉ giúp nhà trường chăm sóc tốt hơn cho các con mà còn giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây có thời gian để làm ăn kinh tế, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo”, bà Hạnh mong muốn.

Chuyến đi thực tế cũng cho chúng tôi trực tiếp chứng kiến sự nỗ lực làm kinh tế của chị em phụ nữ Hà Giang.

Với nguồn vốn cho vay không lãi suất hỗ trợ các hộ gia đình trồng và sản xuất chè, AWEEV đã giúp chị em có được xưởng chế biến chè hoạt động ngày càng hiệu quả. Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè Hà Giang, từng bước đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước.

Xưởng trồng nấm của bà Hoàng Thị Hiền - tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình.

Đi thăm xưởng trồng nấm của bà Hoàng Thị Hiền - tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang mới thấy, chị em đồng bào dân tộc thiểu số nếu được hỗ trợ thiết thực sẽ phát huy tốt thế mạnh của mình.

Với sự tự tin, bà Hiền cho biết, bà có ý tưởng trồng nấm từ năm 2008 nhưng chỉ khi AWEEV hỗ trợ, bà mới thực sự thực hiện được ước mơ của mình. Dự án đã hỗ trợ cho vay không lãi suất hơn 110 triệu đồng để bà trồng được 20 nghìn bầu nấm.

AWEEV cũng tài trợ cho xưởng nấm một máy đóng bầu hơn 30 triệu đồng. Hiện xưởng nấm đã cho ra thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, bà Hoàng Thị Xuyển - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho biết, để có được những kết quả trên, hội đã tích cực thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, triển khai dự án xuống từng chị em phụ nữ trên địa bàn.

Bà Hoàng Thị Xuyển - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Thành, huyện Quang Bình chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam.

“Hội phụ nữ xã đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, tham mưu cho các cấp ủy Đảng tổ chức các đợt truyền thông để chị em nắm được lợi ích của dự án, triển khai dự án đó tới từng chị em. 25 chị đã được dự án hỗ trợ thuộc hộ nghèo cận nghèo.

Không chỉ hỗ trợ bán trú cho các con trường mầm non, dự án của CARE còn hỗ trợ máy thái chuối, xây bếp lò để giúp họ giảm thiểu thời gian làm việc nhà, tham gia các hoạt động bên ngoài làm kinh tế”, bà Xuyển nói.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm